Năm 2022, 25 dự án nhà ở tại TP.HCM cần huy động vốn hơn 252.300 tỷ đồng, tăng hơn 553% so với cùng kỳ năm 2021…
Năm 2021, TP.HCM có 18 dự án đủ điều kiện huy động vốn, với 13.849 căn; tổng giá trị cần huy động là 38.604 tỷ đồng.
Phân khúc cao cấp (giá hơn 40 triệu đồng/m2) chiếm 73,98% với 10.245 căn; phân khúc căn hộ trung cấp (20-40 triệu đồng/m2) chiếm 26,02% với 3.604 căn và không có căn hộ bình dân, chiếm 0%.
Hồi giữa tháng 7/2022, tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững do Thủ tướng chủ trì, ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, quá trình phát triển vẫn chưa bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, chưa phù hợp với khả năng chi trả của người dân và chưa đa dạng về sản phẩm, đặc biệt là nhà ở cho thuê.
Để thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.
Dẫu vậy, nhìn vào số liệu nêu trên của Sở Xây dựng TP.HCM có thể thấy, thị trường bất động sản TP.HCM đang mất cân bằng, lệch pha cung cầu, dư thừa phân khúc cao cấp, thiếu trầm trọng nhà ở vừa túi tiền.
Trong suốt mấy năm qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã đề cập về tình trạng này.
Theo đó, so với năm 2017, năm thị trường bất động sản TP.HCM tăng trưởng cao nhất trong 10 năm, với tổng số 42.991 căn nhà. Nhưng, những năm gần đây, thị trường đã xuất hiện tình trạng lệch pha cung cầu, sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở.
Cụ thể, năm 2018, TP.HCM có 28.316 căn nhà, bằng 65,8 % so với năm 2017. Năm 2019 có 23.046 căn nhà, bằng 53,6 % so với năm 2017. Năm 2020 nguồn cung chỉ có 16.895 căn nhà, bằng 39,2 % so với năm 2017. Năm 2021 nguồn cung chỉ có 14.443 căn nhà, bằng 33,6 % so với năm 2017.
Thị trường cũng đã xuất hiện tình trạng lệch pha phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu hụt nhà ở có giá vừa túi tiền có giá dưới 2 tỷ đồng/căn. Loại nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 tại TP.HCM, năm 2020 chỉ chiếm 1%, đến năm 2021 và năm nay đã không xuất hiện.
Trong khi đó, nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo. Trong đó, năm 2017, TP.HCM có 10.987 căn nhà cao cấp, chiếm 25,5%. Năm 2018 có 8.502 căn nhà cao cấp, chiếm 30%. Năm 2019 có 15.479 căn nhà cao cấp, chiếm 67,1%. Năm 2020 có 7.114 căn nhà cao cấp, chiếm 42,1%. Năm 2021 có 10.404 căn nhà cao cấp, chiếm 72%.
Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xác nhận đủ điều kiện huy động sản phẩm hình thành trong tương lai cho 25 dự án với tổng số 12.147 căn và tổng diện tích sàn hơn 1,3 triệu m2. Trong đó, căn hộ chung cư có 10.632 căn, nhà ở thấp tầng 1.515 căn; tổng giá trị cần huy động là 252.337 tỷ đồng (đã gồm VAT, chưa gồm 2% phí bảo trì), tăng hơn 553% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, phân khúc cao cấp chiếm đến 78,3% tổng nguồn cung với 9.510 căn; phân khúc trung cấp chiếm 21,7% với 2.637 căn; phân khúc bình dân không xuất hiện, chiếm 0%.
So sánh với cùng kỳ năm 2021, thị trường bất động sản TP.HCM năm 2022 có số dự án đủ điều kiện huy động vốn nhiều hơn và tổng giá trị huy động vốn các dự án rất cao. Thị trường chủ yếu vẫn là căn hộ cao cấp, còn lại là căn hộ trung cấp và không có căn hộ bình dân.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng cộng với khoảng 200.000 tỷ đồng còn lại của room tín dụng 14% (cũ) bơm vào nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là hết năm 2022, nhìn chung các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay vốn ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng.
Ông Châu cho rằng trong tình thế “bất thường” cần ban hành các giải pháp “bất thường” để xử lý kịp thời, hiệu quả và đối với thị trường bất động sản đang rất khó khăn hiện nay.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét không nên giữ nguyên “chuẩn” tín dụng trong tình thế “bất thường” hiện nay mà nên nới “chuẩn” tín dụng một chút nhưng vẫn không phải là hạ thấp chuẩn tín dụng so với chuẩn tín dụng bình thường trước đây.
Theo HoREA, hiện nay do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng nên các ngân hàng thương mại “không dám” cho vay đối với một số trường hợp. Cụ thể, doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới, mặc dù, có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận, do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán nên không đạt chuẩn tín dụng.
Tổng Hợp
(Nhà Đầu Tư, Hải Quan)