Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa công bố báo cáo thường niên 2021 với các con số doanh thu, lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách đều đạt mức kỷ lục.
Trong năm 2021, HoSE đạt doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ 2020. Doanh thu của HoSE tăng mạnh song song với việc thị trường chứng khoán bùng nổ trong năm vừa qua.
Năm 2021, giá trị giao dịch chứng khoán bình quân mỗi ngày tại HoSE đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng hơn 240% so với năm 2020. Trong năm ngoái, hơn 1,5 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới, cao hơn con số tổng của cả giai đoạn 2017-2020 trước đó.
Trong khi doanh thu tăng đến hơn 200%, chi phí hoạt động của HoSE chỉ tăng 95% so với năm 2020, chiếm hơn 700 tỷ đồng. Trong cơ cấu chi tiết, chi phí cho hoạt động giám sát thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất lên tới gần 500 tỷ đồng. Khoản chi phí này có biến động tỷ lệ thuận với doanh thu từ hoạt động giao dịch chứng khoán trên HoSE.
Khoản chi phí có tỷ trọng cao thứ hai là thu nhập cho người lao động, hơn 83 tỷ đồng. Đến hết năm 2021, số lượng nhân sự của HoSE là 246 người, chỉ tăng nhẹ so với năm trước. Như vậy, mỗi nhân sự làm việc tại HoSE nhận thu nhập bình quân khoảng gần 30 triệu đồng/tháng.
Như vậy, HoSE đạt lợi nhuận trước thuế kỷ lục 2.536 tỷ đồng sau hơn 20 năm hoạt động, đánh dấu lần đầu tiên mức lãi đạt mốc nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận của HoSE tăng trưởng đến gần 270% so với cùng kỳ năm trước.Với mức lãi hơn 2.500 tỷ đồng, bình quân cứ 100 đồng doanh thu, HoSE thu về 78 đồng lợi nhuận. Hai năm trước đó, tỷ suất lợi nhuận của HoSE khoảng gần 70%. Biên lợi nhuận gần 80% của HoSE năm vừa qua là con số chỉ có trong mơ đối với hầu hết doanh nghiệp niêm yết.
Do là doanh nghiệp Nhà nước nên phần lớn lợi nhuận của HoSE sử dụng để đóng góp vào ngân sách. Thuế thu nhập doanh nghiệp của HoSE năm vừa qua hơn 500 tỷ đồng còn phần lợi nhuận nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi trích lập các quỹ theo quy định khoảng hơn 1.800 tỷ đồng.
Trong năm nay, một trong những mục tiêu đáng chú ý của HoSE là tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các giai đoạn còn lại của dự án công nghệ để đưa hệ thống KRX của nhà thầu Hàn Quốc chính thức hoạt động. Việc xây dựng hệ thống giao dịch mới được HoSE triển khai từ đầu những năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Năm ngoái, khi HoSE liên tục nghẽn lệnh, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thị trường, Bộ Tài chính đã phối hợp với một số doanh nghiệp trong nước như Sovico, FPT đưa hệ thống giao dịch chứng khoán mới đi vào vận hành giúp giao dịch của nhà đầu tư thông suốt. Tuy nhiên, hành động giải cứu HoSE nói trên chỉ mang tính ngắn hạn trong lúc các cơ quan quản lý chứng khoán vẫn chờ hệ thống công nghệ thông tin mới của nhà thầu Hàn Quốc được chính thức triển khai.
Tổng Hợp