Vướng mắc lớn nhất, cơ bản nhất đối với thị trường bất động sản là về cơ chế chính sách xuất hiện từ năm 2018, 2019. Muốn hồi phục thị trường bất động sản cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản gặp các vướng mắc trong điều hành về chính sách tín dụng để chống đỡ vấn đề lạm phát và tỷ giá hối đoái và các vướng mắc chính sách làm bất động sản ngày càng khó khăn. Theo thống kê, nguồn cung vốn mới bơm vào thị trường bất động sản năm 2019 – 2020 giảm chỉ còn 20% so với 2018. Đến năm 2020 – 2021 còn khoảng 40% và năm 2022 giảm còn 20% so với năm 2018.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, cho rằng thị trường bất động sản hiện nay có hiện tượng “bất thường” bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường lại gần như đóng băng và có nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Ông Cấn Văn Lực chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của thị trường hiện nay là theo xu hướng điều chỉnh chung của thị trường bất động sản thế giới và Việt Nam sau hơn hai năm tăng trưởng khá nóng. Tiếp đó, vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời cũng là nguyên nhân.
“Cùng với đó, nguồn vốn rõ ràng bị thu hẹp hơn trong năm vừa qua. Tiếp theo, nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến cho niềm tin nhà đầu tư bị giảm sút, thanh khoản thị trường giảm nhanh. Cuối cùng là liên quan đến quan hệ cung cầu khiến cho việc giá cả chưa hợp lý”, ông Lực nhận định.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, vướng mắc lớn nhất, cơ bản nhất đối với thị trường bất động sản là về cơ chế chính sách xuất hiện từ năm 2018, 2019.
“Hiện nay có hàng nghìn dự án bất động sản (trị giá tương đương khoảng 30 tỷ USD) vướng cơ chế chính sách. Trong giai đoạn 2022 có hơn 1.200 doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, rất nhiều công trường, dự án ngừng hoạt động; doanh nghiệp mới xuất hiện không đáng kể”, ông Đính chia sẻ.
TS. Võ Trí Thành đặt niềm tin vào giải ngân đầu tư công của năm 2023 sẽ tốt hơn năm 2022. Nếu thực hiện được kế hoạch của Chính phủ, đạt 95% trong mục tiêu hơn 700.000 tỷ đồng sẽ là kết quả chưa từng có trong lịch sử đầu tư công ở nước ta. Bên cạnh đó, những dự án hạ tầng lớn nhất của các địa phương, các trung tâm logistics lớn đang hình thành sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
“Một điểm sáng kỳ vọng khác trong năm 2023 là thị trường du lịch, giữ mục tiêu 102 triệu khách nội địa như năm 2022 và 8 triệu khách quốc tế. Tăng trưởng của lĩnh vực du lịch liên quan chặt chẽ đến đầu tư thị trường bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Thành nhận định.
TS. Cấn Văn Lực dự báo cuối quý III thị trường sẽ có chuyển biến, với 3 lý do. Thứ nhất, là tới thời điểm đó những vụ việc pháp lý, vi phạm cơ bản xử lý ổn thỏa; Thứ hai, những vấn đề dài hơi sửa đổi liên quan đến luật đất đai, luật nhà ở, luật đầu tư bất động sản nó sẽ rõ rang. Thứ ba, những gói hỗ trợ, nhất là hai gói hỗ trợ tín dụng mới thực sự được triển khai.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng đánh giá dòng vốn từ M&A rất quan trọng với thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp kiến nghị hệ thống ngân hàng cho vay để tài trợ phần vốn thiếu hụt khi giao dịch M&A. Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng Chính phủ đã có những hành động cụ thể, tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, tạo động lực cho thị trường bất động sản.
Dưới góc độ là chuyên gia về kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, chỉ trong thời ngắn, Thủ tướng đã ban hành 4 chỉ thị tháo gỡ từ lĩnh vực ngân hàng, các gói lãi suất, tài chính, gói 110.000 tỷ đồng… Động thái này cho thấy Chính phủ đang rất quyết liệt gỡ khó cho nền kinh tế nói chung và sẽ tạo động lực thực cho bất động sản.
Theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản toàn cầu trong năm 2023 sẽ diễn biến chậm hơn. “Bóng ma” lãi suất cao sẽ kìm hãm lạm phát trên toàn thế giới. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu bất động sản nói chung sẽ có chiều hướng giảm và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Trong năm 2023, thị trường bất động sản chưa thoát khỏi những thách thức vốn đã tồn tại khá lâu như việc mất cân đối nguồn cung bất động sản. Sự sụt giảm nguồn cung mới ngày càng rõ nét nhưng không đáng nói bằng sự mất cân đối giữa nguồn cung hạng phổ thông và bất động sản cao cấp, hạng sang.
Theo ghi nhận của Savills, thị trường bất động sản càng thiếu hụt những bất động sản vừa túi tiền. Nhu cầu vì thế đẩy mạnh sang các vùng ven phụ cận là điều dễ hiểu. Suốt thời gian qua, tỉ lệ hấp thụ tốt rơi chủ yếu vào loại hình bất động sản tầm trung, giá hợp lý.
Tổng Hợp
(Dân Việt)