Có nhiều người nhiều năm trong nghề vẫn không lãi được nhưng có nhiều người bỏ đại lại lời lớn có phải muốn buôn đất phải có “số” đầu tư? Bỏ tiền vào lô đất hôm nay thì ít ngày sau, giá đã tăng vài trăm triệu hay câu chuyện kiếm tiền tỷ trong một năm của những người dân có chút tiền nhàn rỗi “để tạm” vào đất.
Những ngày đầu tháng 6, thời tiết cả nước nắng nóng oi ả nhưng có lẽ chưa thể so với “sức nóng” của những cơn sốt đất trong thời gian trước. Chỉ khác, cách đây không lâu, từng đoàn xe ô tô về tận một số khu vực của Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… để săn lùng đất. Thời điểm đó, giá đất tăng một cách đột biến, tăng từng giờ. Thì giờ đây…, lại yên tĩnh đến lạnh lùng.
Câu chuyện sốt đất ảo tại các địa phương hiện nay giống như kịch bản đã diễn ra ở nhiều tỉnh thành trước đây. Một số nhà đầu tư cho biết, cơn sốt đất ở nhiều nơi thực chất được tạo bởi một nhóm khách đã mua với giá rẻ trước đó. Sau khi có thông tin dự kiến lập đề án quy hoạch thì những người này bung hàng ra bán, tạo cơn sốt ảo để lôi kéo người mua. Hầu hết các giao dịch thực hiện bằng hình thức sang tay. Ngoài việc đăng tin trên mạng xã hội, “cò” đất còn tổ chức sự kiện xem đất thực tế. Có thời điểm có cả trăm người, đi xe ôtô từ nhiều tỉnh thành tới xem, mua bán đất. Nhóm cò đất cho người đến làm thị trường, tập trung người đến ký cọc, công chứng trong ngày. Đa phần những người trong nhóm mua bán ảo với nhau tạo thị trường, hoặc đây là những “chim mồi” đã cài kịch bản trước. Những nhà đầu tư kém hiểu biết thấy giá liên tục tăng sẽ nhảy vào ngay và mắc cạn.
Vào đầu năm 2021, một cơn sốt đất kinh hoàng xảy ra ở khắp các tỉnh thành như Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai…. Giá đất được đẩy lên bởi một số khu vực chuẩn bị quy hoạch đô thị, đề xuất xây dựng sân bay, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị hay các siêu dự án hạ tầng giao thông lớn được mở ra, từ huyện lên quận. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơn sốt đất chạy theo thông tin thành lập Thành phố Thủ Đức hay khởi công Sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) ngày càng tăng nhiệt kể từ đầu năm 2021. Sau khi chính thức thành lập Thành phố Thủ Đức, giá đất ở khu vực phường Trường Thọ (thuộc quận Thủ Đức cũ) và các khu vực phụ cận tiếp tục tăng chóng mặt lên tới ngưỡng từ 70-90 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất ở các trục đường chính như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển (quận 9 cũ) cũng có bước nhảy vọt, những khu vực còn lại cũng tăng lên mức 30-60 triệu đồng/m2, tăng khoảng 15-20% so với đầu năm 2020. Vào khoảng tháng 6.2020, giá đất ở khu vực Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 cũ) khoảng 60-70 triệu đồng/m2 nhưng đến nay đã có nhiều lô đất được treo bảng rao bán từ 100-140 triệu đồng/m2, có khi cao hơn. Với loại nhà phố, trong khi ở khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh có giá nhà giảm 3% vì tình hình dịch bệnh thì tại Thành phố Thủ Đức vẫn ghi nhận tăng gần 7%-10% so với cùng kỳ. Với loại hình căn hộ, mức tăng giá các quận thuộc khu Đông vào khoảng 8%, trong khi khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ 5%.
Tại Bình Phước, “chảo lửa” sốt đất được ghi nhận tại huyện Hớn Quản. Vùng quê vốn yên bình này trong những ngày tháng 2.2021 đã trở nên náo nhiệt với từng dòng người, xe cộ tấp nập từ nhiều nơi đổ về mua đất sau khi có thông tin tỉnh lập đề án quy hoạch sân bay Técníc. Giá đất ở đây được miêu tả là “tăng dựng đứng”. Tại xã An Khương, Tân Lợi và các vùng lân cận (nơi được khảo sát lập đề án quy hoạch Sân bay Técníc) của huyện Hớn Quản thì sức nóng còn cao hơn khi dòng người, xe cộ đổ về đây. Chỉ trong mấy ngày giá đất tại đây đã tăng lên “chóng mặt”, một số mảnh đất cách vị trí được cho là cách cổng sân bay khoảng 1,5km bình thường có giá từ 150 đến 200 triệu đồng/450-500m2, nhưng chỉ sau vài ngày những mảnh đất ấy đã lên đến có giá vài tỉ đồng tùy từng vị trí.
Sau khi cơn sốt đất ảo ở huyện Hớn Quản tạm lắng, giá đất ở các huyện khác lại “nhảy múa”. Tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, giá đất liên tục được đẩy lên cao, nhất là sau khi có thông tin huyện Chơn Thành lên thị xã và làm đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Bình Phước. Giới đầu tư mua đi bán lại kiểu “lướt sóng”, mới đặt cọc mua đã rao bán, làm cho giá đất tăng lên từ 10-20 lần so với 4 năm trước đây.
Bài học nhãn tiền đã để lại từ nhiều cơn sốt đất ở các khu vực Bắc – Trung – Nam. Rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp “cuối cùng” phải ôm những quả bom nổ chậm, chôn vốn vì đầu tư kiểu lướt sóng, chạy theo thông tin.
Cương Nguyễn