Tâm lý thận trọng bao trùm doanh nghiệp bất động sản, Mục tiêu của một số doanh nghiệp bất động sản chỉ là duy trì hoạt động…
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các dự án, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, có thể đẩy doanh nghiệp vào thế chân tường vì đã dồn gần như toàn bộ nguồn lực đầu tư nhưng dự án không thể triển khai.
Chưa hoàn thành pháp lý dự án thì doanh nghiệp không đủ điều kiện để được vay vốn ngân hàng. Ách tắc pháp lý rất nhiều khiến chính các ngân hàng thương mại quan ngại và đặt ra nhiều biện pháp phòng ngừa.
“Do đó, về lâu dài, Chính phủ vẫn phải tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan pháp lý. Trước mắt, để hỗ trợ cho thị trường bất động sản, cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp mà mấu chốt là sớm thông qua Dự thảo sửa đổi Nghị định 65/NĐ-CP về phát hành trái phiếu và nới room, hạ lãi suất cho vay ngân hàng”, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc kiến nghị.
Các nhà phát triển bất động sản đã chật vật, thì với những doanh nghiệp môi giới – đơn vị phụ thuộc nhiều vào hoạt động của các chủ đầu tư cũng khó khăn không kém. Lãnh đạo một công ty môi giới có trụ ở tại quận Bình Thạnh cho biết, mỗi tháng ông phải gồng lỗ hơn 1 tỷ đồng để trả lương và các chi phí khác của công ty.
“Hồi tháng 12, công ty còn cố gắng duy trì tiền thuê văn phòng 50 triệu đồng mỗi tháng, nhưng giờ khó khăn quá, nhân viên cũng đã cho nghỉ nên chúng tôi chỉ giữ lại tầng trệt với chi phí thuê 20 triệu đồng mỗi tháng”, vị này nói.
Với những doanh nghiệp còn hoạt động cũng rơi vào tình trạng nghẽn dòng tiền, phải thực hiện cắt giảm nhân sự. Đơn cử, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 2022, số lượng nhân viên của công ty đã giảm hơn 3.000 người. Trong khi trước đó, mỗi năm doanh nghiệp này luôn tuyển thêm lượng lớn nhân viên.
Đã có nhiều cuộc họp cũng như chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, song bắt đầu từ đâu và tháo gỡ thế nào vẫn là vấn đề được các thành viên trên thị trường quan tâm.
Theo chia sẻ của doanh nghiệp, hiện có hai vướng mắc ảnh hưởng đến toàn thị trường là pháp lý và nguồn vốn. Trong đó, nguồn vốn là yếu tố sống còn của hầu hết doanh nghiệp, nhưng hiện nay bị tắc nghẽn.
Nới room, giảm lãi suất cho vay, hay cơ cấu nợ vốn đã được các doanh nghiệp đề xuất rất nhiều, đỉnh điểm là tại cuộc họp với giữa Ngân hàng Nhà nước với đại diện một số doanh nghiệp bất động sản lớn được tổ chức vào giữa tuần qua.
Tại cuộc họp này, có 17 kiến nghị được các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đưa ra, tập trung vào các vấn đề như: cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi vay, giảm hệ số rủi ro với bất động sản, tăng tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo khoản vay, hỗ trợ doanh nghiệp khả năng trả nợ trái chủ…
Sau khoảng thời gian chững lại của thị trường bất động sản, các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư đã và đang đặt ra nhiều kỳ vọng cho sự ấm lên của thị trường vào cuối năm 2023. Đồng thời, họ đã chuẩn bị sẵn những phương án cùng những kịch bản để có thể đối mặt với mọi tình huống sẽ xảy ra.
Năm 2023 thị trường sẽ tiếp tục trải qua những khó khăn và thách thức. Thế nhưng, cơ hội sẽ luôn xuất hiện, vậy nên việc nắm bắt được những thời cơ đó là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp bứt tốc đi lên. Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực từ Chính phủ, các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản luôn được kỳ vọng sẽ “vẽ” nên một bức tranh thị trường địa ốc tươi sáng hơn.
Nhìn nhận vào thực tế thị trường, nhiều doanh nghiệp cũng đã đưa ra phương án tập trung phát triển các dự án nhà ở với giá bán hợp lý, đáp ứng được nhu cầu ở thực và nằm trong khả năng chi trả của số đông người dân.
Cùng với đó, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cũng đang dần tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp, cùng các chính sách mới cho nền kinh tế nói chung, đặc biệt là việc nới room tín dụng, hạ lãi suất, người mua nhà có thể tiếp cận được nguồn vốn vay… là động lực để doanh nghiệp vững tin hơn vào tính thanh khoản cho sản phẩm.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán, RealTimes)