Được biết, các ngân hàng có vốn nhà nước cũng không ngoại lệ khi lãnh đạo các ngân hàng này chia sẻ sự căng thẳng liên quan đến room tín dụng. Các ngân hàng này cũng đề xuất NHNN nghiên cứu xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng có nền tảng tài chính tốt, hoạt động hiệu quả, quản trị được rủi ro.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng được giao những nhiệm vụ chính trị của hệ thống như tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém… Thông tin cuộc họp sơ kết vốn đã được lãnh đạo NHNN tiết lộ tại Hội nghị triển khai Nghị định 31/NĐ-CP của Chính phủ tuần trước đó. Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng đều dự báo trước sẽ nóng câu chuyện về hạn mức tín dụng vì nhiều ngân hàng đã kịch trần từ lâu.
Cũng trong diễn biến có liên quan, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, cơ quan này đã lường trước được việc các ngân hàng sẽ tập trung đề cập đến tình hình tăng trưởng tín dụng tại Hội nghị sơ kết, bởi vấn đề này đã được các thành viên trong hệ thống chia sẻ tại nhiều diễn đàn…
Thực tế nhiều năm trở lại đây, thời điểm đầu năm, NHNN luôn đưa ra thông điệp xuyên suốt, định hướng hoạt động của toàn hệ thống trong cả năm. Cụ thể, năm 2022, với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế và dự báo tốc độ lạm phát, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng rất rõ ràng ở mức 14%.
Từ phía cơ quan quản lý đặt vấn đề đáng chú ý, tại sao năm trước không có việc hết room tín dụng mà năm nay hạn mức tín dụng lại hết rất sớm ngay từ quý I, thậm chí, có những ngân hàng hết dư nợ tín dụng của năm 2022 ngay từ cuối năm 2021.
Xung quanh vấn đề tăng trưởng tín dụng, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia kinh tế phân tích, mỗi năm lượng tăng trưởng tín dụng tuyệt đối đưa vào nền kinh tế sẽ khác nhau, dù tỷ lệ phần trăm có thể tương đương. Ví dụ, tăng trưởng tín dụng năm 2021 gần 14% và hệ thống đưa vào nền kinh tế khoảng 1,2 – 1,3 triệu tỷ đồng tăng thêm. Theo đó, năm 2022, lượng tín dụng đưa vào nền kinh tế sẽ tăng thêm khoảng 1,3 – 1,4 triệu tỷ đồng khi tổng dư nợ hiện là 11,6 triệu tỷ đồng.
“Như vậy, con số về tỷ lệ có thể vẫn là 14%, nhưng khối lượng tăng trưởng là khác nhau, điều này đồng nghĩa với việc năm 2022, lượng tiền vào nền kinh tế sẽ không hề nhỏ”, vị chuyên gia kinh tế nói.
Tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra ngày 14/7/2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ, năm 2022, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020. Số liệu này cho thấy chính sách tín dụng đang thực hiện hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế. Tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng đã tăng 9,35%, là mức cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm của cả những năm trước đại dịch Covid-19 và là tín hiệu cho thấy tín dụng đã tăng rất mạnh.
“Cho tới thời điểm hiện nay, dù lạm phát đang chịu sức ép gia tăng trong thời gian tới, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%”, Thống đốc cho biết.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, Thống đốc nhận định, tình hình kinh tế thế giới rất phức tạp, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi kinh tế nhưng tại các Nghị quyết này, mục tiêu bao trùm vẫn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“NHNN xác định không chủ quan với lạm phát. Việc điều hành phải theo dõi sát sao diễn biến tốc độ giải ngân của chương trình phục hồi kinh tế, sự tích cực của dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. Đây là những vấn đề liên quan tới chính sách tiền tệ ngắn hạn cần theo dõi. Đối với tín dụng, NHNN tiếp tục điều hành theo chỉ tiêu định hướng 14% đã đề ra từ đầu năm. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến để có chỉ đạo điều hành, kết hợp với chính sách tài khoá”, Thống đốc nhấn mạnh.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, đúng như dự đoán trước đó, phần lớn các ngân hàng phát biểu tại cuộc họp đều đề cập đến câu chuyện sắp hết, đã hết room tín dụng và kiến nghị xem xét nới trong khả năng cho phép.
Thực tế cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc nhóm phát triển năng động nhất trên thế giới, do đó nhu cầu vốn tín dụng từ dân cư và doanh nghiệp tăng trưởng rất mạnh. Điều này cũng dẫn tới dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới hiện ở mức 124%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
“Do đó, NHNN đã sử dụng room tín dụng để điều hướng và kiểm soát, lành mạnh hoá hoạt động ngân hàng, hoạt động tín dụng ổn định trong thời gian qua là hợp lý. Việc điều hành, phân bổ tín dụng hiện nay phù hợp với năng lực của các ngân hàng và tình hình phát triển của thị trường vốn. Ngân hàng chúng tôi ủng hộ việc phân bổ hạn mức tín dụng”, một lãnh đạo ngân hàng thương mại chia sẻ.
Vị lãnh đạo này cũng đề xuất cơ quan quản lý cấp hạn mức tín dụng cao với những ngân hàng đáp ứng các tiêu chí hoạt động an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, cấp room tín dụng bổ sung cho những ngân hàng đã đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, rủi ro tập trung thấp; năng lực cho vay bán lẻ có quy mô và chất lượng tốt nhằm góp phần kích cầu kinh tế thúc đẩy tiêu dùng…
Còn một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại miền Bắc tiết lộ, nhu cầu giải ngân cho khách hàng đã có kế hoạch từ quý IV/2021 nhưng nay không thể thực hiện được vì ngân hàng này đã chạm giới hạn tăng trưởng tín dụng do NHNN cấp từ 31/3/2022. Hiện các cam kết giải ngân của ngân hàng ước khoảng chục nghìn tỷ đồng nhưng không xử lý được và nhiều khách hàng đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Đó là chưa kể vài chục nghìn tỷ đồng dư nợ của khách hàng có nhu cầu vay mua nhà từ chủ đầu tư không giải ngân được, dẫn đến vi phạm cam kết của khách hàng với chủ đầu tư.
Tổng Hợp