Trong ngày 29/4, 5 ngân hàng là Kienlongbank (UPCoM: KLB), LienVietPostBank (HoSE: LPB), VPBank (HoSE: VPB), ABBank (UPCoM: ABB) và NamABank (UPCoM: NAB) cùng họp thường niên 2021. Các thương vụ mua bán, sáp nhập, thay đổi nhân sự cao cấp… chắc chắn sẽ làm nóng ĐHCĐ các ngân hàng trong ngày cuối mùa ĐHCĐ này.
Sau nhiều thay đổi lớn từ nhân sự đến địa điểm đặt chi nhánh cũng như thương hiệu, ĐHCĐ lần này chắc chắn sẽ nóng vấn đề nhân sự. Theo tờ trình bổ sung KienLongBank vừa công bố vào tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2021, nhân sự cấp cao là một vấn đề nóng. Các thành viên HĐQT Kienlongbank đã thống nhất thông qua đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Lê Khắc Gia Bảo và bà Trần Thị Thu Hằng theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, HĐQT cũng thông qua danh sách ứng cử viên để bầu thay thế thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2022 với 2 cái tên. Đầu tiên là ông Đỗ Anh Tuấn, chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Sunshine Group.
Ông Đỗ Anh Tuấn sinh năm 1975, còn được biết đến trong cương vị chủ tịch của Sunshine Homes, chủ tịch Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Thượng, chủ tịch Tập đoàn KSG, và chủ tịch của công ty xây dựng SCG. Người thứ hai được thông qua đề cử vào HĐQT của Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 – 2022 là bà Võ Thị Tuấn Anh (sinh năm 1976).
Trước đây, bà Tuấn Anh từng là Giám đốc Việt Nam Tập đoàn Sakae Holdings, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sakae Holdings. CEO Sunshine Group là bà Trần Thị Thu Hằng cũng tham gia HĐQT của Kienlongbank sau cuộc họp cổ đông bất thường hồi cuối tháng 1/2020, sau đó bà Hằng được bầu giữ ghế Phó Chủ tịch HĐQT. Hiện, Kienlongbank đã bổ sung thêm tên viết tắt của Kienlongbank là KSBank.
Chuyện thật như đùa 3 năm chưa xong đại hội 7 năm chưa chia cổ tức
Từ năm 2019 đến nay, Eximbank đã phải hoãn, dời, tổ chức bất thành liên tục 10 đại hội cổ đông, tính cả đại hội cổ đông thường niên lẫn bất thường do hàng loạt lý do như tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, do dịch COVID-19, do cần có thêm thời gian để hoàn thiện kỹ lưỡng công tác tổ chức, nhưng lý do đầu tiên là chính yếu. Eximbank cũng giữ kỷ lục 5 đời chủ tịch hội đồng quản trị trong vòng 2 năm qua, trong đó có chủ tịch hội đồng quản trị chỉ giữ ghế nóng hơn nửa tiếng, có người thì ngồi ghế nóng được 5 ngày.
Trước mỗi kỳ đại hội luôn có một kịch bản là các nhóm cổ đông lớn gửi đơn kiến nghị, đưa ra hàng loạt yêu cầu, đòi bãi nhiệm hội đồng quản trị hiện tại. Sau đó, nếu may mắn có thể tổ chức thì đại hội sẽ không đủ tỉ lệ tiến hành, trong trường hợp đủ tỉ lệ thì không thông qua quy chế tiến hành đại hội. Trước khi tiến hành đại hội cổ đông thường niên Eximbank lần thứ 3, vào hôm nay, 26-4, hội đồng quản trị Eximbank lại nhận được văn bản kiến nghị của 2 nhóm cổ đông đề nghị miễn nhiệm 8/9 thành viên hội đồng quản trị. Theo thống kê, dù chỉ có 92 cổ đông tham dự, tỉ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội cổ đông lên đến 94,51%. Tuy nhiên, sau đó đến phần biểu quyết thông qua quy chế tiến hành họp đại hội, chỉ có 44,92%, tương ứng 521 triệu cổ phiếu, biểu quyết đồng ý, 54,69% không đồng ý. Do đó, đại diện ban tổ chức, ông Trần Ngọc Dũng – trưởng ban thẩm tra tư cách cổ đông Eximbank – tuyên bố do không thông qua quy chế, đại hội không thể tiến hành. Hiện Eximbank cũng là ngân hàng chưa có tổng giám đốc (chỉ có quyền tổng giám đốc), cổ đông 7 năm liền không được chia cổ tức.
Vấn đề nhân sự cấp cao của Eximbank một lần nữa lại gây chú ý khi vào giữa cuộc họp ngày 26/4, NHNN đã có văn bản chấp thuận chuẩn y về danh sách thành viên nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 4 người trong HĐQT.
Bốn cá nhân này bao gồm: bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, ông Nguyễn Hiếu và ông Yasuo Takeuchi. Cả bốn nhân sự trên đều không nằm trong danh sách 9 nhân sự trong HĐQT hiện tại. Trong đó, bà Lê Hồng Anh là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TCG Land, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thành Công Phạm Hùng và Phó Tổng giám đốc Thường trực phụ trách Tài chính kế toán Công ty CP Tập đoàn Thành Công. Bà Lê Hồng Anh cũng được biết đến là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công.
Ứng viên thứ hai là ông Đào Phong Trúc Đại cũng có nhiều liên quan đến hệ sinh thái Thành Công. Ông Đại đang đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng và Công ty TNHH Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. Ông cũng đang nằm trong HĐQT, Công ty CP Đầu tư PV – Inconess – một doanh nghiệp do ông Nguyễn Anh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT.
Hai nhân sự khác được đề cử bao gồm: ông Nguyễn Hiếu – nguyên Tổng Giám đốc Chứng khoán Rồng Việt. Ông Yasuo Takeuchi – Phó Tổng giám đốc bộ phận Kế hoạch Khối Ngân hàng toàn cầu của SMBC kiêm Giám đốc Phòng Nghiên cứu thị trường – Chi nhánh SMBC Hà Nội. Hiện Ngân hàng từ Nhật Bản này đang nắm giữ 15% vốn Eximbank.
“Đại gia” ngã rẻ qua tài chính
Hôm nay 29/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – mã chứng khoán: LPB) sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2021. Và một trong những nội dung quan trọng của chương trình nghị sự là bầu bổ sung ông Nguyễn Đức Thuỵ làm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).
Theo đánh giá của HĐQT LienVietPostBank, các doanh nghiệp do Ông Thuỵ lãnh đạo hoạt động theo mô hình hệ sinh thái, có hệ thống mạng lưới khách hàng rộng khắp, có nhu cầu rất lớn về các dịch vụ tài chính – ngân hàng. Điều này được HĐQT LienVietPostBank kỳ vọng sẽ gia tăng cơ hội thúc đẩy phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, khai thác thêm một lượng lớn khách hàng tiềm năng. Trước đó vào hồi đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận đề nghị của LienVietPostBank về việc bầu Ông Nguyễn Đức Thuỵ làm thành viên HĐQT ngân hàng này nhiệm kỳ 2018-2023. Phía LienVietPostBank có trách nhiệm thủ tục bầu thành viên HĐQT đối với Ông Thuỵ đúng theo quy định của pháp luật.
Trong một diễn biến có liên quan, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên của Sacombank mới đây, Ông Dương Công Minh đã trả lời cổ đông rằng: “LienVietPostBank là con đẻ đã cho đi lấy chồng”. Câu nói ẩn ý của Ông Dương Công Minh khiến giới đầu tư đặt vấn đề, việc “gả đi” LienVietPostBank có phải là ngân hàng này sắp có biến động mới ở ghế Chủ tịch HĐQT?
Bên cạnh đó, sự tiến cử của HĐQT LienVietPostBank cùng với việc Ông Nguyễn Đức Thuỵ đã thôi làm Chủ tịch HĐQT tại nhiều doanh nghiệp lớn do ông Thuỵ sáng lập vào năm 2020, đây có thể là sự chuẩn bị để LienVietPostBank có tân Chủ tịch HĐQT? Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu LPB đang được trạng thái tăng giá tốt bất chấp biến động mạnh của VNIndex những phiên vừa qua, phần nào cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư và cổ đông ngân hàng này với “nhân tố mới” trong Ban lãnh đạo.
Anh em về chung nhà
Mới đây, tại Đại hội Cổ đông thường niên của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương (Techcombank), ông Hồ Anh Ngọc đã trúng cử vào HĐQT của nhà băng. Sự kiện này được dư luận quan tâm bởi ông Hồ Anh Ngọc chính là em trai của tỷ phú Hồ Hùng Anh – chủ tịch HĐQT Techcombank. Khác với anh trai, ông Hồ Anh Ngọc rất kín tiếng với truyền thông nhưng cũng có lý lịch làm việc ấn tượng.
Em trai tỷ phú Hồ Anh Ngọc từng giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masteries Group trong giai đoạn 2011 – tháng 7/2012. Masteries Group tiền thân là CTCP Đầu tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment), mới thành lập năm 2007 nhưng đã trở thành “tay chơi” mới nổi trên thị trường bất động sản. Đây cũng là cái tên trẻ tuổi nhất trong “Top 10 Nhà phát triển bất động sản nổi bật” được Forbes Việt Nam bình chọn năm 2020. Tên tuổi của Masteries Group gắn liền với những dự án căn hộ thuộc phân khúc hạng sang ở Tp.HCM và Hà Nội, điển hình như Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú, Millennium, M-One. Masterries Group cũng là chủ đầu tư dự án căn hộ được cho là có giá chào bán đắt nhất ở thời điểm hiện tại, gồm Grand Marina (dự kiến 370 triệu đồng/m2) và One Central HCM (dự kiến 500 triệu đồng/m2).
Ngoài ra, vợ của ông Hồ Anh Ngọc là bà Nguyễn Hương Liên (sinh năm 1985) cũng từng làm đại diện phần vốn góp tại 6 công ty con của Masterise Group, là: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Masterise Center, Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Masterise Hotels, Công ty TNHH Dịch vụ nghỉ dưỡng Masterise World, Công ty TNHH Môi giới Masterise, Công ty TNHH Dịch vụ và Quản lý Bất động sản Masterise Services, Công ty TNHH Môi giới Masterise Agents. Chưa hết, trong lĩnh vực bất động sản, giai đoạn tháng 7/2012 – 9/2017, em trai của tỷ phú Hồ Hùng Anh còn là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay – đơn vị sở hữu khu resort sang trọng và đắt đỏ bậc nhất Việt Nam hiện nay.
Trụ cột quan trọng tại One Mount Group, Khoảng tháng 9/2019, dư luận từng xôn xao khi Vingroup quyết định góp vốn thành lập CTCP One Mount Group với quy mô vốn điều lệ 3.047 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng góp 51,22% vốn. Bên cạnh Vingroup, One Mount Group còn 2 cổ đông sáng lập khác là 2 cá nhân: Nguyễn Minh Hồng (0,98%) và Ngạc Văn Lượng (0,06%). Cuối năm 2019, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của One Mount Group được thay đổi từ bà Nguyễn Mai Hoa sang ông Hồ Anh Ngọc. Nói cách khác, ông Ngọc đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng tại đây.
Kiên Cương