Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế ban hành loạt quyết định nhằm khắc chế hành vi khai “gian” giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá thực tế, từ đó chống thất thu thuế. Mua bán bất động sản “hai giá” nhằm lách thuế khó kiểm soát.
Điều này cũng bộc lộ nhiều bất cập trong thực tế, khiến thị trường mua bán bất động sản chững lại, người dân than phiền, thậm chí, các đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng mạnh mẽ tại nghị trường. Theo đó, hàng loạt hồ sơ giao dịch bất động sản của người dân bị “ngâm” nhiều tháng, hoặc bị cơ quan thuế sách nhiễu, trả lại và yêu cầu nâng đúng giá thực tế giao dịch.
Cũng theo các chuyên gia, trong nhiều năm qua, “nút thắt” lớn nhất trong chống thất thu thuế chuyển nhượng nhà đất vẫn là làm sao kê khai tính thuế trên giá thị trường.
Cụ thể, việc xây dựng khung giá định giá theo giá thị trường có nhiều bất cập, dẫn đến cả người mua, người bán lẫn cơ quan thuế đều lúng túng, không biết áp dụng mức giá nào, cuối cùng quay trở lại với thói quen cũ, đó là kê khai thấp hơn so với giá thị trường thì tính thuế trên khung giá và bảng giá đất của Ủy ban nhân dân của tỉnh, thành ban hành.
Mặt khác, theo quy định tại Luật Đất đai 2013, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và hàng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất. Trong khi thực tế giá thị trường lại biến động liên tục, vì vậy, dẫn đến việc giá quy định không sát với giá của thị trường bất động sản, gây thất thu ngân sách.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 16.000 tỷ đồng. Rõ ràng hành vi chuyển nhượng bất động sản trị giá nhiều tỷ đồng nhưng ký hợp đồng chỉ vài trăm triệu là che giấu sự thật về thu nhập khi chuyển nhượng. Đây là hành vi trốn thuế, vi phạm pháp luật, được quy định rõ trong Bộ Luật hình sự.
Trước thực tế giá thị trường biến động liên tục để lại khoảng cách ngày càng xa với bảng giá đất, tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành bảng giá đất, trong đó, bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất, để bảng giá nhà đất theo sát với giá thị trường.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa ban hành Công điện số 08/CĐ-TCT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo toàn ngành thuế tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Nội dung công điện khẳng định, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế có các Công văn số 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022, Công văn số 1381/TCT-DNNCN ngày 28/4/2022 chỉ đạo việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế trong việc kê khai theo đúng giá giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
Theo đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật tại bộ phận 1 cửa liên thông theo nguyên tắc “tiền phòng hậu kiểm” để tổ chức, cá nhân hiểu, thực hiện đúng khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng nhà đất.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế nhận được phản ánh vẫn còn hiện tượng cơ quan thuế một số địa phương trả lại hồ sơ kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản do nghi ngờ những trường hợp này có dấu hiệu kê khai thấp so với giá giao dịch thực tế. Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo quy định, giá chuyển nhượng với chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng sẽ được xác định theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đất đai 2013, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và hàng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất. Trong khi thực tế giá thị trường lại biến động liên tục, vì vậy dẫn đến việc giá quy định không sát với giá của thị trường bất động sản, gây thất thu ngân sách.
Dù vậy trong quá trình siết thu thuế chuyển nhượng nhà đất lại nảy sinh tình huống cán bộ, công chức thuế “ngâm” hồ sơ hoặc “lúng túng” xác định giá trị thật của bất động sản khiến người dân thêm bức xúc. Theo phản ánh, có hồ sơ giải quyết kéo dài đến 3 – 4 tháng.
Tổng Hợp