Qua rồi thời tư duy “nhà đầu tư F0” chủ yếu là tiền mặt nhưng thiếu kinh nghiệm và kiến thức, thực tế cho thấy, lớp nhà đầu tư này rất nhanh nhạy và chỉ một thời gian ngắn là có thể xếp vào hàng “Professinal”, hay còn gọi là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Năm 2020 đã có trên 17.000 giao dịch thành công ở hai thị trường chính là Hà Nội, TP.HCM trên các phân khúc, trong đó phân nửa giao dịch là từ giai đoạn nửa cuối quý III/2020 và quý IV/2020.
Những tín hiệu cho thấy thị trường có thể sớm hồi phục trở lại cũng tạo ra động lực cho nhiều nhà đầu tư nhanh nhạy tận dụng cơ hội này để mua lại các bất động sản giảm giá rồi tìm kiếm cơ hội bán lại.
Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế khởi sắc và mặt bằng giá các sản phẩm bất động sản tăng trở lại, thị trường có thể kỳ vọng thêm sự gia nhập của nhóm F0 mới, nhất là nhóm F0 sau khi đã chốt lời từ thị trường chứng khoán thời gian vừa qua để vào bất động sản như một kênh đầu tư “trú ẩn” an toàn.
Đặc biệt, đóng góp cho lượng thanh khoản của 2 thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS cho biết phần lớn nhờ vào sự gia nhập của nhóm nhà đầu tư mới, hay còn gọi là nhà đầu tư F0.
Nhóm nhà đầu tư này nói một cách ví von là “không có gì ngoài tiền” và mức độ sẵn sàng chịu chơi với phong cách đầu tư “đánh cả cụm”.
Những diễn biến trên thị trường cũng cho thấy, đất nền vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, sản phẩm này sẽ khan hiếm dần vì các địa phương đang hạn chế phát triển dự án đất nền, chỉ còn chủ yếu ở những dự án đấu giá.
Về nguồn cung, theo ghi nhận của VARS, trong hai quý đầu năm 2021, chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có hàng vạn sản phẩm đa dạng các phân khúc được ra hàng.
Với Hà Nội, khu vực phía Bắc và Tây Hà Nội sẽ chiếm tỷ trọng sản phẩm lớn nhất; còn tại TP.HCM, sẽ có khoảng 20 dự án chào hàng trong 6 tháng đầu năm 2021, cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 sản phẩm với đủ loại phân khúc.
Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, nhóm nhà đầu tư F0 nhiều tiền nhưng cũng khá mạo hiểm, là động lực quan trọng khiến thị trường bất động sản nóng lên ở một số huyện chuẩn bị lên quận tại Hà Nội như Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức… và dẫn đến nguy cơ sốt nóng, nên cần phải giám sát một cách chặt chẽ hơn.
Tại nhiều dự án, mỗi nhà đầu tư ôm từ vài đến vài chục lô đất cùng một lúc. “Không sợ đất mất giá, chỉ sợ không có tiền ôm thêm nhiều lô nữa”. Nhà đầu tư F0 còn cho biết, dạo gần đây, để đa dạng danh mục, hai vợ chồng còn trích một khoản lãi thu được trong việc bán mảnh đất hôm trước để đầu tư chứng khoán “cho biết cảm giác trên sàn”.
Trong khi những nhà đầu tư “lão làng” cẩn trọng quan sát, chờ tín hiệu thị trường rõ ràng hơn thì nhóm nhà đầu tư F0 đang miệt mài giải ngân vào bất động sản.