Dù công ty có “báo cáo” lợi nhuận nhiều hơn, thì cũng không phản ánh được thực tế tình hình kinh doanh đang suy yếu của mình. Bằng chứng là dòng tiền thiếu ổn định, cũng như tình trạng thiếu tiền (dòng tiền âm) của công ty.
Cuối năm 2020, Apax Holdings vẫn báo lãi trước thuế 108 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,1% so với năm 2019. Con số đáng mừng này là do sự đóng góp của doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty, cao gấp 3 lần doanh thu tài chính trong năm 2019.
Được biết, Apax Holdings vừa ký hợp tác đầu tư với một chủ đầu tư dự án bất động sản ở Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Một số nguồn tin cho rằng, đây có thể là khoản đặt cọc của Apax English – một công ty con của Apax Holdings vào một dự án bất động sản tại Hà Tĩnh.
Theo đó, cuối năm 2020, đơn vị này đã ký hợp đồng đặt cọc hợp tác đầu tư với Công ty TNHH MTV Nam Phong để triển khai dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng tại khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng có diện tích gần 42.000 m2, trong đó có các khu khu thương mại, khách sạn, siêu thị…rộng 6.534 m2 và khu căn hộ, nhà ở, bãi xe, nhà ăn rộng 10.508 m2. Hiện một phần của dự án đã được xây dựng gồm 2 tòa căn hộ 12 tầng và khu nhà hàng – hội trường – tổ chức sự kiện 5 tầng. Đây là dự án nhằm phục vụ nhu cầu của nhà máy Formosa Hà Tĩnh.
Đáng chú ý, trong khoản mục doanh thu hoạt động tài chính của Apax Holdings có ghi nhận gần 42,6 tỷ đồng là “Lãi dự thu khoản đặt cọc với ông Nguyễn Ngọc Thủy” (ông Nguyễn Ngọc Thủy – hay còn được biết đến với tên gọi Shark Thủy, là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Apax Holdings). Về nguyên tắc, những khoản lãi dự thu là khoản tiền dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời. Do đó, khoản dự thu này không thể được hạch toán như một kết quả kinh doanh thực sự tại thời điểm lập báo cáo. Khoản dự thu này sẽ phải được hạch toán vào tài sản phải thu khác của doanh nghiệp.
Như vậy, có thể hiểu rằng, một phần lợi nhuận của Apax Holdings được ghi nhận trong báo cáo tài chính chỉ là lợi nhuận hơi, không có thực ở hiện tại. Lợi nhuận thực tế của Apax Holdings trong năm qua ít hơn nhiều, chỉ khoảng trên 60 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Apax Hodings đã chuyển cho Shark Thủy gần 165 tỷ đồng tiền đặt cọc và lãi đặt cọc mua cổ phần Công ty Anh ngữ Apax theo thoả thuận chuyển nhượng ngày 2/1/2020. Do đó, phần lãi dự thu từ khoản này, dù chưa thu được, Apax Holdings vẫn đưa vào lợi nhuận thu về của công ty.
Cũng tại báo cáo tài chính quý 4/2020 của Apax Holdings, rất nhiều chi tiết thuyết minh của báo cáo đã bị công ty lược bớt, không đầy đủ. Cụ thể, các thuyết minh về khoản phải thu khác như tiền đặt cọc, ký hợp đồng, ký quỹ không được đưa vào báo cáo tài chính.
Khoản nợ hơn 400 tỷ đồng từ trái phiếu phát hành cũng không có thuyết minh rõ ràng có phải trái phiếu chuyển đổi hay không. Hoặc như khoản đầu tư 15 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng, thời hạn 7 năm (2018 – 2025) biến mất cũng không có bất kỳ thuyết minh cụ thể nào, chỉ có vài dòng lưng chừng cắt ngang khó hiểu.
Chi tiết “cẩu thả” trong báo cáo tài chính của Apax Holdings nữa là, trong phần kết quả kinh doanh của công ty, khoản mục “chi phí lãi vay” được ghi nhận là 13,7 tỷ đồng, giảm 66% so với năm 2019.
Nhưng trong phần thuyết minh, “chi phí lãi vay” lại được ghi nhận tới hơn 58,6 tỷ đồng, một con số chênh lệch khá lớn. Điều này đặt ra nghi vấn, không rõ đây là sự nhầm lẫn cẩu thả của người lập báo cáo hay cố tình “sắp đặt” để tăng lợi nhuận ảo?.
Công nợ phải thu của Apax Holdings tăng chóng mặt, gấp hơn 3 lần so với năm trước cho thấy doanh nghiệp đang bị chiếm dụng vốn quá nhiều, tài sản không tạo ra lợi nhuận. Vốn bị nằm kẹt từ khách hàng, các dự án đầu tư dàn trải, trong khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng ít nhiều bởi dịch bệnh Covid-19. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings bị hao hụt, âm 736 tỷ đồng, dòng tiền thuần trong năm âm 327 tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thường phản ánh chính xác chất lượng kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm nhiều sẽ không đủ bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông. Từ đó, doanh nghiệp dễ bị kéo chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau.
Điều này đã được chứng minh khi khối nợ của Apax Holdings tiếp tục tăng lên 13,7% trong năm 2020. Kết thúc năm 2020, tổng nợ phải trả của Apax Holdings là 2.245 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải phụ thuộc vào nợ và bị mất cân bằng tài chính do nợ ngắn hạn luôn vượt quá tài sản ngắn hạn trong nhiều năm nay.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Apax Holdings đạt 3.303 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2019. Nhưng mức tăng này không đến từ sự cải thiện chất lượng tài sản. Bởi hầu hết tài sản của Apax Holdings không thể sinh lời, mà đang nằm đọng trong các công nợ phải thu của doanh nghiệp.
Đối với các nhà đầu tư, điều này được xem là khá rủi ro, đặc biệt là khi các khoản phải thu là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Apax Holdings.