Không chỉ với khối doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp sản xuất cũng rất khó khăn trong bài toán thu xếp vốn. Chủ tịch một doanh nghiệp dệt may cho biết, doanh nghiệp có tài sản đảm bảo nhưng không thể phát hành trái phiếu như các năm trước do bên mua đòi lãi suất quá cao. Một số doanh nghiệp vẫn tìm cơ hội huy động vốn trên thị trường chứng khoán…
Theo Văn bản 1252/VPCP-KTTH ngày 28/2/2023, Văn phòng Chính phủ nhận được báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về “đói vốn, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán cho nước ngoài để giải vây”.
Về việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá kỹ thông tin báo nêu, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định.
Theo phản ánh từ báo chí, tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM ngày 18/2, các doanh nghiệp phản ánh cơn khát vốn đang tăng ở một số ngành như mỹ nghệ chế biến gỗ, ngành vật liệu xây dựng, bất động sản, dệt may… Các quỹ đầu tư nước ngoài đang “săn” các doanh nghiệp này.
Gần đây, một số chủ đầu tư tính đến phương án “nhặt tiền lẻ”, hướng đến người có nhu cầu an cư nhưng chưa tích lũy đủ tài chính.
Chẳng hạn, Hoang Huy Commerce tung ra gói chính sách tài chính linh hoạt. Thay vì phải thanh toán 30 – 50% mới có thể ký hợp đồng mua bán thì nay, khách hàng chỉ cần thanh toán từ 20 triệu đồng/tháng. Những đợt thanh toán tiếp theo kéo dài trong 26 tháng, khách hàng chỉ cần chi trả 1% giá trị căn hộ mỗi đợt. Bên cạnh đó, khách hàng được chủ đầu tư cùng ngân hàng hỗ trợ giải ngân cho vay lên đến 70% giá trị căn hộ với lãi suất 0% trong 16 tháng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chiết khấu lên tới 13% giá trị căn hộ.
Tại TP.HCM, một loạt dự án cũng áp dụng cách bán hàng này khi cho phép người mua trả góp từ 7 – 8 triệu đồng/tháng.
Cách bán hàng nhắm đến phân khúc có nhu cầu thực này được dự báo sẽ phổ biến trong thời gian tới, được kỳ vọng là hướng đi giúp nhiều doanh nghiệp tồn tại qua giai đoạn khó khăn.
Một số doanh nghiệp ngoài lĩnh vực bất động sản chọn cách tăng vốn qua thị trường chứng khoán dù cánh cửa rất hẹp. Ông Lê Xuân Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cho biết, kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/cổ phần đã được Công ty theo đuổi từ năm 2022, sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2023.
Hiện Công ty khởi công, đã có giấy phép xây dựng Bệnh viện Việt Yên (theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc bổ sung hồ sơ phát hành), Công ty đang chờ báo cáo tài chính kiểm toán 2022 để hoàn tất hồ sơ xin phát hành.
Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam cũng ráo riết chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn năm 2023 bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, với giá 10.000 đồng/cổ phần. Dù thị giá hiện này là 29.000 đồng/cổ phần, phương án phát hành của VSC không dễ thuyết phục được cổ đông khi cổ phiếu bị pha loãng mà kế hoạch lợi nhuận năm 2023 lại giảm tới gần 50% so với năm 2022.
Trong cuộc trò chuyện gần đây với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo VSC tỏ ra rất quan tâm đến đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế.
Dù thị giá BCG hiện chỉ ở mức hơn 6.000 đồng/cổ phiếu, nhưng trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Bamboo Capital vẫn bảo lưu kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phần tỷ lệ 2:1. Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Tập đoàn cho biết, quá trình tăng vốn sẽ là cần thiết để nắm bắt cơ hội M&A trong lúc thị trường khó khăn hiện nay và tạo đà tăng trưởng cho tương lai. Trong trường hợp các nhà đầu tư hiện hữu không cảm thấy hấp dẫn, BCG sẽ làm việc với các nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm cơ hội trên thị trường Việt Nam hiện tại.
Bên cạnh việc xoay xở các kênh vốn trong nước, có lẽ tìm đến dòng vốn quốc tế là giải pháp nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Mới đây, việc nhận thêm 50 triệu USD từ Quỹ Việt Nam – Oman và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV của Công ty cổ phần F88 đã gây chú ý trong giới đầu tư.
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ Amber cho biết, đối tác của ông ở Mỹ đang có nhu cầu rót vốn cho khoảng 10 công ty tại Việt Nam với quy mô 10 – 50 triệu USD/thương vụ. Thời điểm khó khăn của doanh nghiệp Việt hiện tại lại là cơ hội 10 năm mới có một lần với các “thợ săn” nước ngoài.
Không chỉ với khối doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp sản xuất cũng rất khó khăn trong bài toán thu xếp vốn. Chủ tịch một doanh nghiệp dệt may cho biết, doanh nghiệp có tài sản đảm bảo nhưng không thể phát hành trái phiếu như các năm trước do bên mua đòi lãi suất quá cao. Họ dẫn lãi suất ngân hàng cộng thêm 2 – 3%, lên tới 15%/năm thì doanh nghiệp không thể “chịu nổi”. Dự án mở thêm một nhà máy phụ liệu của Công ty tạm gác lại dù đã chuẩn bị xong đất sạch để khởi công. Công ty đang tính đến việc bán dự án cho đối tác nước ngoài mặc dù rất tiếc nuối.
Giám đốc IB một công ty chứng khoán lớn cho biết, gần như bất cứ khách sạn nào cũng muốn bán, được giá hợp lý là chủ nhân bán. Vì thế, câu chuyện hiện nay là tìm người mua, chứ không phải là người bán, cứ có người “đặt hàng”, các bên tư vấn sẽ sớm đáp ứng được trong thời gian rất ngắn. Bản thân nhóm tư vấn của cô đang hỗ trợ đối tác Thái Lan mua khách sạn ở Nha Trang, TP.HCM và Hà Nội.
“Hiện nay, phần lớn bên mua là nhà đầu tư nước ngoài, bên mua trong nước gần như vắng bóng”, cô kể.
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ Amber cho biết, ông đang tìm kiếm khách sạn tại miền Trung cho khách hàng nước ngoài có nhu cầu mua. Theo ông Hoàng, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá du lịch vẫn là lĩnh vực hấp dẫn và thế mạnh của Việt Nam trong thời gian tới.
Thị trường mua bán tài sản tuần qua cũng truyền nhau mẩu tin rao bán khách sạn Dolce Hanoi Golden Lake với nội dung “Đại gia Đường bia, chủ khách sạn Hà Nội Vàng, Dolce by Wyndham vừa công bố sẽ chào bán cạnh tranh khách sạn này trong tháng 3/2023, giá khởi điểm 250 triệu USD. Dự kiến từ 1/4/2023, khách sạn này sẽ có chủ mới nằm trong nhóm các tỷ phú Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông đang xếp hàng chờ mua”.
Giám đốc IB công ty chứng khoán trên cho hay, năm ngoái, cô đã kết nối cho một tập đoàn trong nước xúc tiến thương vụ mua khách sạn Dolce Hanoi Golden Lake, nhưng đến nay, tập đoàn kia đã từ bỏ kế hoạch do khó khăn về dòng tiền.
Ở thời điểm này, việc bán tài sản là giải pháp dễ thực hiện nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về dòng tiền. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, ngân hàng không giải ngân cho các khoản vay có mục đích tái cơ cấu nợ nên “cửa” tín dụng rất khó khăn. Đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản gần như khó có thể tiếp cận với vốn ngân hàng nếu không có mối quan hệ “đặc biệt”.
Ngân hàng có thể cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà nhưng với bối cảnh lãi suất như hiện nay, không có nhiều người mạo hiểm vay tiền mua bất động sản.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán)