Bên cạnh những thuận lợi, thị trường Việt Nam vừa qua phải đối mặt với không ít khó khăn. Lạm phát đẩy giá cùng loạt rủi ro khác, bất động sản sẽ khắc nghiệt?
Trong báo cáo đánh giá về xu hướng thị trường bất động sản năm 2022 vừa được gửi tới cơ quan có thẩm quyền, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) còn lo ngại tình trạng sốt đất ảo ảnh hưởng thị trường sắp tới. “Sốt ảo giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong 2 tháng đầu năm nay cần được các địa phương quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA – nêu.
Theo ông Châu, cần có phương án xử lý kịp thời tình trạng gây nhiễu loạn thị trường từ “đầu nậu”, “cò đất, cò nhà”, doanh nghiệp “bất lương” để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản. Chỉ ra một trong những nguyên nhân gây nên các cơn sốt cục bộ là việc thiếu hụt nguồn cung, nhiều ý kiến đề nghị sớm giải quyết nút thắt này để tháo gỡ cho thị trường. “Mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung – cầu”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Tại một diễn đàn về bất động sản vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết bên cạnh những thuận lợi, thị trường Việt Nam vừa qua phải đối mặt với không ít khó khăn. “Những vướng mắc pháp lý của bất động sản đang cản trở nhất định về nguồn cung trên thị trường. Chưa kể, năm 2021 còn xuất hiện rất nhiều “hàng giả, hàng lậu”, như bất động sản phân lô bán nền không phù hợp, các đợt sốt giá tiềm ẩn nguy cơ bong bóng bất động sản”, ông Đính nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, dù giao dịch bất động sản vẫn khá sôi động trong đầu năm nay song về dài hạn, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều lo ngại. Cụ thể, ông Đính cho rằng lạm phát đẩy giá bất động sản tăng lên nên “bất động sản năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt”. Để gỡ khó cho thị trường, ông Đính kiến nghị đẩy mạnh việc tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý, giúp doanh nghiệp bất động sản dễ dàng phát triển hơn trong năm nay.
Về thách thức đối với thị trường bất động sản, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng nguồn cung hiện nay vẫn còn khan hiếm và khó dồi dào ngay. Trong khi đó, thị trường phải đối mặt với sự tăng giá rất nhanh của nguyên vật liệu xây dựng, việc đẩy giá đất ở các cuộc đấu giá… Cũng theo ông Lực, việc kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay chương trình đánh thuế bất động sản… cũng đều tạo thách thức cho thị trường sắp tới.
Cơ chế và chính sách đối với thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua chưa thực sự rõ nét và phù hợp. Nhiều vấn đề mới được đặt ra chưa có sự giải quyết kịp thời và hợp lý của cơ quan quản lý Nhà nước, như pháp lý cho các loại hình bất động sản du lịch, bất động sản văn phòng kết hợp nhà ở, trung tâm thương mại… Các quy trình, thủ tục pháp lý về tiếp cận đất đai, vận hành dự án, về cơ chế bảo đảm phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ của rủi ro, tranh chấp… Bên cạnh đó quy định sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho bất động sản du lịch chưa rõ ràng khiến các địa phương cũng trở nên lúng túng. Các doanh nghiệp khi kinh doanh phân khúc bất động sản như condotel, shophouse cũng lúng túng theo.
Thời gian vừa qua, chỉ số lạm phát luôn đứng trước áp lực gia tăng trong khi giá nhà vẫn luôn được dự báo tăng, chưa có dấu hiệu suy giảm. Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản 2022 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, chiến tranh sẽ càng làm tăng thêm thách thức cho thị trường, lạm phát sẽ đẩy áp lực tăng giá bất động sản.
Giá bất động sản tăng cao thời gian qua đã khiến khả năng mua nhà của người dân ngày càng khó khăn hơn, về lâu dài sẽ tạo ra nhiều hệ lụy và sự chênh lệch giàu nghèo. Bên cạnh đó, giá đất tăng không đúng giá trị thực đang dẫn tới nguy cơ trầm lắng cho nền kinh tế và sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát triển nhà ở giá thấp. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp, lồng ghép vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở trong thời gian tới, nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ chế cho phát triển loại hình nhà ở này.
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là nguồn cung các dự án khan hiếm trong khi lực cầu thị trường mạnh. Song không ít cầu “ảo” đến từ đầu cơ, không hẳn là cầu thật với nhu cầu ở thực, được đưa vào sử dụng, kinh doanh lâu dài. Các dòng vốn đang chảy vào bất động sản hiện tại chủ yếu vẫn mang tính chất đầu tư tài chính ngắn hạn lấy lãi, đầu tư “lướt sóng”.
Tổng Hợp