Cả khối ngân hàng có vốn nhà nước và ngân hàng thương mại tư nhân đều dồn dập lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2023.
Trong diễn biến có liên quan, báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2023 vừa được Ngân hàng Nhà nước gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, DongABank, CBBank, OceanBank, GPBank sẽ được Ngân hàng Nhà nước chuyển giao bắt buộc trong thời gian tới.
Về việc xử lý các ngân hàng diện kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng theo trình tự, thủ tục quy định.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch MB đã tham dự, phát biểu với tư cách khách mời: “Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB”.
Tại đại hội cổ đông năm 2023 diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo MB cho biết, MB đang tiến hành định giá một ngân hàng được chuyển giao bắt buộc. Dự kiến, cuối năm 2023 và đầu năm 2024, MB sẽ định giá xong để trình Chính phủ.
Với CBBank, ngân hàng này và Vietcombank ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện từ năm 2014. Theo đó, Vietcombank hỗ trợ CBBank về kinh nghiệm phát triển sản phẩm, dịch vụ, rà soát lại hệ thống quản trị rủi ro, đồng thời cử cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn để hỗ trợ và chia sẻ với CBBank về quản trị, điều hành, quản trị rủi ro, kiểm toán, công nghệ thông tin. Vì vậy, nhiều khả năng CBBank sẽ “về chung một nhà” với Vietcombank.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho hay, Ngân hàng đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng, hiện đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chính thức.
“Đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định. Mặt khác, đây cũng là một cơ hội cho Vietcombank. Những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo ra cho Vietcombank động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới”, ông Dũng nói.
Bên lề đại hội cổ đông năm 2023 của VPBank, một trong bốn ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc, lãnh đạo VPBank đã chia sẻ với cổ đông về việc Ngân hàng đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng và cái tên được chọn là GPBank.
“Sáp nhập ngân hàng là một trong những biện pháp tăng vốn cơ học”, vị tổng giám đốc ngân hàng thương mại trên nói.
Đại hội cổ đông VietinBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2023 từ gần 12.330 tỷ đồng lên 60.387 tỷ đồng, hoặc trên 66.000 tỷ đồng. Tương tự, năm nay, BIDV đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 50.585 tỷ đồng lên 61.557 tỷ đồng; Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 47.325 tỷ đồng lên trên 75.000 tỷ đồng.
Không chỉ khối ngân hàng có vốn nhà nước, các ngân hàng thương mại tư nhân cũng dồn dập lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2023. Cụ thể, VPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên hơn 79.339 tỷ đồng. MB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 9.000 tỷ đồng, lên 54.363 tỷ đồng. HDBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 25.303 tỷ đồng lên xấp xỉ 29.300 tỷ đồng. TPBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 15.817,5 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng. NCB sẽ tăng vốn điều lệ từ 5.602 tỷ đồng lên gần 11.802 tỷ đồng thông qua phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ…
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, khối ngân hàng thương mại tư nhân tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao hơn trước, nhờ sự chủ động trong quản lý vốn và tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn Basel III để xây dựng cơ sở vốn vững chắc và thúc đẩy tăng trưởng cho vay.
“Tỷ lệ CAR của các ngân hàng này sẽ duy trì cao hơn mức trung bình của hệ thống và cải thiện nhẹ trong năm 2023. Ngược lại, khối ngân hàng thương mại quốc doanh gặp khó khăn hơn trong việc tăng vốn do ngân sách hạn hẹp và quá trình phê duyệt diễn ra chậm chạp”, TS. Hiếu nhận định.
Theo các chuyên gia phân tích, trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, với kế hoạch phát hành 6,5% vốn cổ phần, Vietcombank có thể cải thiện tỷ lệ CAR thêm 2 – 2,5%, đồng thời cải thiện hạn mức tăng trưởng tín dụng. Ba ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, Agribank kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nếu không thì bộ đệm vốn cũng như thị phần sẽ bị bào mòn trước sự cạnh tranh gay gắt của các ngân hàng thương mại tư nhân.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết: “Mức vốn điều lệ lớn cho phép các ngân hàng tăng quy mô tài sản, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn được cấp tín dụng”.
Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho hay, ba ngân hàng quốc doanh niêm yết (BIDV, VietinBank, Vietcombank) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 10 – 13% cho năm 2023, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư 26/2022/TT-NHNN có hiệu lực vào cuối năm 2022, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã giúp hạ tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động (LDR) của BIDV và VietinBank, qua đó cải thiện dư địa tăng trưởng tín dụng.
Trong khối ngân hàng thương mại tư nhân, ACB cẩn trọng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10%, nhưng VPBank và HDBank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng lần lượt là 33% và 24% cho năm 2023.
“Với VPBank, chúng tôi cho rằng, thương vụ phát hành riêng lẻ 15% gần đây với SMBC sẽ cải thiện CAR của Ngân hàng, thúc đẩy tăng tín dụng. HDBank vẫn còn dư địa để đạt mức tăng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng quy mô, nhờ tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém và CAR đạt 13,4% tính đến cuối năm 2022”, bà Thanh nói.
Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 – 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là Vietcombank, VietinBank, BIDV và tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước cho Agribank. Tính đến cuối tháng 1/2023, vốn điều lệ của 4 ngân hàng trên là 180.400 tỷ đồng.
Ngày 25/4/2023, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021 – 2023 thêm 17.100 tỷ đồng. Vốn bổ sung cho Agribank sẽ lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt, hơn 6.750 tỷ đồng, phần còn lại gần 10.350 tỷ đồng bố trí từ ngân sách nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.
Tổng Hợp
(ĐTCK)