Có nhiều yếu tố hỗ trợ hơn để thị trường tốt lên. Thứ nhất là dịch bệnh rồi sẽ được kiểm soát bằng vắc-xin. Thứ hai là các ngành nghề cũng dần được mở rộng, kinh tế hồi phục thì thu nhập của người dân cũng tốt hơn. Nhờ đó, nhu cầu đầu tư tăng lên, nhu cầu sở hữu BĐS cũng sẽ tăng lên.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng viện nghiên cứu BĐS Việt Nam cho rằng, bên cạnh những trở ngại thì còn nhiều yếu tố có thể trở thành lực đẩy cho thị trường BĐS trong bối cảnh hiện nay.
Quỹ đất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư còn rất dồi dào. Quan sát kỹ có thể thấy, những doanh nghiệp “trụ” được trong giai đoạn hiện nay đều là những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất khổng lồ, như Vingroup, Văn Phú – Invest, Novaland, CEO Group… Bên cạnh đó, các đô thị mới còn rất nhiều dư địa phát triển, như Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, hay Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi… và nhiều nhà phát triển cũng đã và đang hướng đến để khai thác tiềm năng của các khu vực này như Capital House, FLC,…
Dòng vốn được kỳ vọng sẽ tiếp tục rót vào thị trường BĐS qua nhiều kênh khác nhau. Thậm chí gần đây, lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm cho thấy các ngân hàng thương mại đang gặp khó vì không có khách vay. Khi lãi suất giảm mạnh, chắc chắn các ngân hàng sẽ ưu tiên lựa chọn kênh cho vay bất động sản, bởi vẫn có thể sinh ra lợi nhuận khá chắc chắn. “BĐS là tài sản nền tảng quan trọng của quốc gia và là lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp “ham” đầu tư. Và như tôi đã phân tích, chắc chắn thị trường sẽ có cơ hội tăng giá và còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2021″, ông Doanh nhấn mạnh.
Nhiều chính sách mới đã có hiệu lực, như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), kết hợp sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… có hiệu lực từ ngày 1/12021; Đồng thời với việc Chính phủ đang xem xét sửa đổi một số Nghị định, nhất là “Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định thi hành Luật Đất đai”, sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách…
“Nhưng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong khâu thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại, để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế vững chắc” – ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Theo nhận định, thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh sẽ có sự “trỗi dậy” mạnh mẽ hơn các tỉnh, TP khác, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội và thị trường BĐS tại TP này sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới, dựa vào các yếu tố, như Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh. Đây là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, là đô thị loại 1, có quy mô kinh tế bằng khoảng 7 – 8% GDP cả nước, chiếm đến 1/3 GRDP của TP, đi đôi với mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.
Thống kê cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 6 khu công nghiệp mới được thành lập, cao hơn con số 4 khu công nghiệp thành lập mới trong cả năm 2019. Tính đến tháng 9/2020, giá thuê đất khu công nghiệp tại TP.HCM đạt bình quân 150 USD/m2/kỳ hạn – mức cao nhất cả nước. Tỷ lệ lấp đầy hiện tại thường xuyên được duy trì ở mức 90% do nhu cầu bất động sản công nghiệp đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước, trong khi quỹ đất cho thuê hiện hữu không còn nhiều.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn Việt Nam tại JLL chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 có thể tạm thời làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam, nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ do Việt Nam được xem là cường quốc công nghiệp mới nổi ở khu vực. Điều này sẽ hỗ trợ cả cung và cầu đối với bất động sản công nghiệp ở Việt Nam.
Báo cáo đánh giá triển vọng thị trường bất động sản nhà ở giai đoạn 2021-2022 của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, theo đó tầng lớp thu nhập trên trung bình sẽ có xu hướng tăng mạnh, quy mô hộ gia đình nhỏ hơn, thúc đẩy nhu cầu mua nhà lần đầu. Việt Nam cũng sẽ trải qua quá trình tăng trưởng nhà ở cao nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh và dân số thành thị tăng cao, khi ước tính trung bình dân số thành thị tăng khoảng 1,1 triệu dân mỗi năm, kéo theo đó là nhu cầu có thêm khoảng 314.000 căn hộ mới/năm trong giai đoạn này.
Thực tế, giá nhà ở Việt Nam đã tăng khá mạnh trong vài năm qua. Theo nghiên cứu của JLL, CBRE hay Savills Việt Nam, mức tăng trung bình toàn thị trường đạt khoảng 7%/năm, riêng phân khúc chung cư giá rẻ có biên độ tăng mạnh nhất, trung bình khoảng 30%/năm trong 3 năm gần đây.
Ngay cả với phân khúc căn hộ cao cấp hiện có giá từ 3.000-7.000 USD/m2 (tại TP.HCM), nhưng so với mặt bằng chung của nhiều quốc gia trong khu vực vẫn thấp hơn đáng kể và điều đáng nói hơn là tỷ lệ hấp thụ đối với những căn hộ này luôn ở mức cao.
Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng ghi nhận nhiều sự dịch chuyển trong các phân khúc, chẳng hạn phân khúc bán lẻ có sự chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống sang thương mại điện tử nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp tránh dịch bệnh lây lan, phân khúc bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng đã có tín hiệu phục hồi khi dịch bệnh được khống chế tốt, hay sự nổi lên của bất động sản công nghiệp nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam.
Kiên Cương
( Tổng Hợp)