Mua nhà từ năm 2015 và đã đóng hơn 90% giá trị hợp đồng nhưng những người mua nhà ở xã hội tại dự án tổ hợp nhà ở – nhà ở xã hội Tân Bình Apartment (Tân Bình Apartment) do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình (Công ty Tân Bình) làm chủ đầu tư cho đến nay vẫn chưa nhận được nhà.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận kiểm toán chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP. HCM năm 2020. Theo kết luận kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khẳng định chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP. HCM năm 2020 chưa đạt mục tiêu đề ra, chỉ hoàn thành gần 13.900 căn hộ, đạt 69% so với kế hoạch.
Theo KTNN, TP. HCM lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án nhà ở xã hội khi chưa có trong kế hoạch. Thực tế cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn cung nhà xã hội trên địa bàn TP. HCM khan hiếm là vì có nhiều dự án năng lực chủ đầu tư có vấn đề, hoặc vướng nhiều sai phạm nên mãi vẫn không xây xong.
Mới đây, Sở Xây dựng TP. HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, trong đó đặt chỉ tiêu tăng thêm 2,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia để thực hiện mục tiêu không đơn giản và cần phải có chính sách cụ thể. Ngoài nguyên nhân thiếu hụt các gói kích cầu hỗ trợ người mua nhà, các quy định pháp luật liên quan còn nhiều hạn chế.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM – cho rằng, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp cùng tham gia. Chẳng hạn, Nhà nước quy định mức lợi nhuận khi làm nhà ở xã hội là 10%, doanh nghiệp nào cảm thấy chính sách này phù hợp với mình thì sẽ lựa chọn đầu tư. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội, ngoài chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia, rất cần có chế tài mạnh tay với những doanh nghiệp lợi dụng chính sách nhân văn về nhà ở để trục lợi. Các cơ quan quản lý ở địa phương cần kiểm tra, giám sát việc xây dựng, mua bán nhà ở xã hội để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện nghiêm.