Thị trường tái bảo hiểm Việt Nam được cho là còn nhiều dư địa phát triển khi nền kinh tế đang có độ mở cao và nhu cầu về bảo hiểm tăng thêm. Do đó, các DN tái bảo hiểm đang có lộ trình tăng dần tỷ lệ giữ lại trong nước và đầu tư cho phát triển bền vững ESG.
Tăng dần tỷ lệ giữ lại trong nước
Theo số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản cả ngành ước đạt gần 952.000 tỷ đồng, tăng 9.11 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt trên 132.000 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt gần 820.000 tỷ đồng.
Ngành bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt gần 796.000 tỷ đồng, tăng 9.29% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt hơn 635.000 tỷ đồng, tăng 13.12% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, tỷ trọng phí bảo hiểm trên GDP tại Việt Nam chỉ ở mức từ 2% – 3% (trong đó tỷ trọng của bảo hiểm phi nhân thọ chưa đến 1%), tỷ lệ này cao hơn Indonesia những vẫn còn ở khoảng cách khá xa với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Với thông số nêu trên, thị trường bảo hiểm Việt nam được dự báo là sẽ còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới, với dân số trẻ và tốc độ phát triển kinh tế ổn định. Dự báo đến năm 2025, doanh thu phí bảo hiểm bình quân trên GDP sẽ đạt mức 3% – 3,5%.
Song hành cùng với thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là thị trường Tái bảo hiểm nhân thọ hiện còn chưa được khai thác.
Khi Nhà nước cho phép các công ty bảo hiểm nước ngoài được hoạt động ở Việt Nam thì khả năng cạnh tranh sẽ có lợi cho các công ty nước ngoài bởi khả năng giữ lại dịch vụ rất lớn. Do đó, việc duy trì tỷ lệ tái bảo hiểm bắt buộc, ví dụ tái bảo hiểm cho VINARE như hiện nay sẽ có lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước trên cơ sở nhận dịch vụ điều tiết từ VINARE.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT – Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc Gia Việt Nam (VINARE), với vai trò vô cùng quan trọng của tái bảo hiểm, hiện chúng ta đang phải chuyển tái ra nước ngoài gần 1 tỷ USD để đảm bảo khả năng thanh toán của các DNBH trong nước trước những rủi ro.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết trong thời gian sắp tới, các DN tái bảo hiểm tại Việt Nam như VINARE, Hanoi Re cũng đang nỗ lực để có thể tăng dần tỷ lệ giữ lại trong nước, khi thị trường tái đang mở ra nhiều cơ hội.
Đầu tiên, về cơ chế, chính sách của nhà nước, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định rõ ràng về việc phải tăng vốn, có lộ trình cụ thể, yêu cầu các DNBH đánh giá lại vốn chủ sở hữu của mình trên cơ sở rủi ro và việc này phải làm trước ngày 1/1/2028.
“Muốn giữ lại thêm, cần phải tăng vốn chủ sỡ hữu, nâng các tiêu chuẩn của DNBH theo sân chơi quốc tế”, ông Tuấn nói thêm.
Tiếp theo là vai trò và lợi thế của các cổ đông chiến lược nước ngoài tại các DNBH phi nhân thọ. Hiện nay có nhiều cổ đông ngoại đang chiếm phần nhiều vốn, thậm chi là chi phối các DNBH trong nước, họ đang đầu tư thêm rất nhiều tiền vào thị trường Việt Nam. Do đó, họ rất mong muốn phát triển, mà tăng trưởng thì phải tăng doanh thu và lợi nhuận, tăng đầu tư. Các DNBH trong nước cần phát huy tối đa sức mạnh về vốn, kinh nghiệm, quản trị của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
“Tỷ trọng phí bảo hiểm trên GDP còn ở mức thấp, vì vậy độ mở của thị trường rất cao, có cơ hội là phải tăng vốn lên thì mới có cơ hội tăng được doanh thu, để tăng cơ hội giữ lại trong nước”, ông Tuấn nêu lý do.
Bên cạnh đó, Việt Nam là đất nước đang phát triển nên có nhiều dự án đầu tư công, hạ tầng lớn, dự án FDI nước ngoài rót vốn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Đa phần, đây là các dự án sản xuất, nên đi kèm là quản lý rủi ro tốt. Vì thế, quản lý rủi ro tốt thì lợi nhuận sẽ tốt hơn, tỷ lệ bồi thường không cao, tăng khả năng giữ lại.
Và cuối cùng, rất quan trọng đó là nguồn nhân lực ngành bảo hiểm. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, rủi ro tốt hay xấu là do con người phân tích, đánh giá, chuyển tái ra nước ngoài bao nhiêu, hay giữ lại trong nước cũng là do con người làm thẩm định.
Thẩm định viên ngành bảo hiểm đang rất thiếu và rất cần những người có kinh nghiệm để phân tích và đánh giá chính xác nhất rủi ro, nhượng tái hay giữ lại với tỷ trọng ra sao, đồng thời tư vấn cho các khách hàng nên quản trị rủi ro như thế nào.
“Ví dụ, tại VINARE có khoảng 100 nhân lực ngành bảo hiểm làm rất lâu, năng lực, kinh nghiệm tích luỹ rất tốt. Các DNBH trong nước cần đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, bởi ngành tài chính là phải đầu tư dài hạn vào yếu tố con người”, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
ESG : “Tối quan trọng” với tái bảo hiểm Việt Nam
Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng song song với lộ trình tăng vốn, tăng tỷ lệ giữ lại trong nước, để tái bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững, ESG là tối quan trọng.
Theo ông Tuấn do đặc thù của ngành tái bảo hiểm, phải chuyển rủi ro ra nước ngoài, số tiền nhượng tái không nhỏ, đặc biệt các nhà tái bảo hiểm hiện nay của Việt Nam chủ yếu đến từ châu Âu như Swiss Re, Munich Re, Hanover Re… họ đòi hỏi rất khắt khe về các báo cáo ESG. Nếu các DNBH trong nước không có ESG, đối tác sẽ không nhận tái bảo hiểm.
Ví dụ, các dự án nhiệt điện than, hiện Việt Nam vẫn đang phát triển song song nguồn năng lượng này, dự án lớn hàng tỷ USD, phải chuyển tái nước ngoài, nhưng có thể đối tác sẽ không nhận. Nhà nhận tái yêu cầu phải có báo cáo đánh giá ESG.
Do đó, ngay từ sớm VINARE cũng buộc phải làm báo cáo phát triển bền vững ESG. Cụ thể, bước đầu thuê tư vấn quốc tế triển khai, nhưng sau đó VINARE đã có thể tự làm được các khâu đầu tiên, tháng 11/2022 công bố báo cáo phát triển bền vững. Từ cơ sở đó, dần dần xây dựng được lộ trình triển khai phát triển bền vững đến 2035. Kết qủa, đã đạt được các tiêu chuẩn về kinh tế, môi trường, xã hội như GRI 300, GRI 400…
Ông Nguyễn Anh Tuấn lưu ý, đây là 1 điều kiện rất quan trọng để có một nhìn nhận của thị trường quốc tế đối với ngành bảo hiểm Việt Nam. Ngoài VINARE, thì Bảo Việt đang làm khá tốt các chỉ số ESG này.
“Nếu DNBH cũng như tái bảo hiểm Việt Nam không làm ESG thì có thể sẽ không chuyển giao được rủi ro ra quốc tế”, vị chủ tịch HĐQT VINARE khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, tuỳ vào mục tiêu của từng DNBH, có giai đoạn sẽ tập trung vào yếu tố nào E, S hay G. Ví dụ bản thân VINARE, lúc đầu tập trung nhiều vào công tác quản trị (G), sau đó sẽ chuyển sang (E) và (S). Không thể làm tốt cùng lúc 3 cái được, nhưng vẫn phải làm song song, nhưng tại một thời điểm, tập trung trọng điểm vào một chỉ số.
“3 trụ cột luôn phải theo dõi thường xuyên, biết mình trong giai đoạn nào, đặc biệt thị trường châu Âu họ đang siết E và S rất là nhiều. Do đó DN tái bảo hiểm phải thích ứng linh hoạt với từng hoàn cảnh cụ thể của DN mình và từng thị trường”, Ông Nguyễn Anh Tuấn nêu quan điểm.