Thị trường bất động sản hiện nay có nhiều khó khăn, đặc biệt là tính thanh khoản vẫn còn thấp, môi giới tung chiêu “lùa khách” còn chủ nhà ôm nợ chờ cắt lỗ.
Trong khi thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng ảm đạm, lác đác có một số giao dịch, không ít môi giới tung tin thị trường đã sôi động, dùng chiêu trò… nhằm thúc người mua xuống tiền.
Báo cáo thị trường bất động sản quý II và tháng 7 vừa qua của nhiều đơn vị nghiên cứu cho thấy, thị trường bắt đầu le lói những điểm sáng, đà giảm giá đã có dấu hiệu chững lại sau hàng loạt thông tin tích cực từ chính sách, tín dụng. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm nay, thị trường vẫn được đánh giá còn nhiều khó khăn.
Thế nhưng, thời gian gần đây, trên thị trường và các hội nhóm mua bán nhà đất, không ít môi giới đồn thổi thông tin “thị trường bắt đầu sôi động trở lại”. Đáng nói, môi giới dùng mọi chiêu trò quảng cáo, rao bán, tư vấn không đúng nhằm thúc người mua xuống tiền.
Nếu thật sự không tỉnh táo, người mua sẽ rất dễ dính bẫy của môi giới. Trong tâm lý xem mãi không được, không ít người “tặc lưỡi” mua ngay căn phù hợp tài chính của mình mà quên bỏ qua những thông tin khác như: hàng xóm xung quanh, pháp lý, trường học, chợ…
Còn trong một diễn biến khác của thị trường bất động sản hiện nay, nhiều chủ nhà đang “đứng ngồi không yên” vì nhà mãi không có người mua. Không ít chủ nhà chấp nhận bán tháo, cắt lỗ sâu nhưng vẫn không “thoát” được.
Chia sẻ về diễn biến thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VAR) – cho biết, một khảo sát của VAR với 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã mang đến những con số đáng chú ý về tâm lý nhà đầu tư khi đánh giá thị trường bất động sản năm nay.
Theo đó, dữ liệu khảo sát của VAR cho thấy, chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực, rất tích cực tới tâm lý nhà đầu tư. Nhà đầu tư vẫn xác định “chậm mà chắc”, vô cùng “thận trọng” trước các quyết định của mình.
Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp còn lại đều cho rằng, sau một thời gian quan sát và theo dõi, không thấy được sự chuyển biến thực sự và rõ rệt của thị trường nên khách hàng hoặc nhà đầu tư sau khi ổn định tâm lý, vẫn xác định “chậm mà chắc”, vô cùng “thận trọng” trước các quyết định của mình.
Bên cạnh đó, đánh giá thị trường bất động sản ở giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy cơ hội tích cực, sẵn sàng tham gia giao dịch mua bán nhà đất, lại đang bị chôn vốn, phải tập trung giải quyết hết các áp lực tài chính từ các khoản vay đầu tư trước đó.
Do đó, theo ông Đính, sức mua của thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự mạnh. Lượng giao dịch vẫn tập trung chính ở các phân khúc dự án bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, hướng tới nhóm khách hàng mua ở thực.
Chị Hòa, ngụ ở quận Bình Thạnh (TP. HCM) mới là nạn nhân của câu chuyện “treo đầu dê bán thịt chó” từ một sàn giao dịch BĐS ở quận Bình Thạnh. Chị Hòa cho biết, do chị sở hữu căn hộ thuộc Tập đoàn Novaland, nên khi có một nhân viên gọi điện đến, xưng danh ở bộ phận chăm sóc khách hàng của tập đoàn mời chị đi dự tiệc tri ân khách hàng là chị tin ngay.
Cũng theo lời chị Hoà, các nhân viên môi giới đưa chị và 40 khách nữa tới một dự án ở gần sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ở đó, nhân viên môi giới chỉ các lô đất của các nhà đầu tư lớn nói có giá trên 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng, còn các lô đất trống mà môi giới giở bàn đồ ra để giới thiệu với khách, giá chỉ 2,3-2,5 tỷ đồng/lô. Môi giới thuyết minh rằng nếu khách hàng cọc luôn 200 triệu đồng thì sẽ được giảm giá, tặng quà là 6 chỉ vàng và bốc thăm quay thưởng có thể trúng một chiếc xe máy SH.
“Ngay tại dự án, họ làm lễ tri ân cảm ơn khách hàng kèn trống náo nhiệt y như thật, quay xổ số và tôi trúng một chiếc xe máy Honda trị giá 50 triệu đồng. Nhưng khi họ yêu cầu tôi đặt cọc mua đất, tôi không đồng ý thì họ nói không được nhận giải thưởng, còn voucher 30 triệu đồng cũng chỉ trừ vào giá thành lô đất nếu đặt cọc mua. Tôi biết bị lừa, nên phải khó khăn lắm, họ mới cho lên xe quay về lại TP. HCM”, chị Hòa chia sẻ.
Còn chị Ngọc, nhà ở TP. Thủ Đức, cũng cho hay, mới đây, một sàn giao dịch cũng đã lừa chị “chiêu” tương tự, là mời tới dự lễ tri ân rồi đưa đi xem dự án, quay xổ số trúng thưởng và nếu chốt cọc luôn trong ngày thì được hưởng nhiều ưu đãi. Thậm chí chủ đầu tư còn đưa ra nhiều dạng hợp đồng với tên gọi và cách thức hấp dẫn như “Hợp đồng bảo hiểm tài sản đất đai”.
“Chỉ cần đặt cọc 200-300 triệu đồng là có thể sở hữu một lô đất nền 100m2 trị giá 2,5-3 tỷ đồng tại Đồng Nai, sau đó khách hàng có thể ký gửi lại sàn giao dịch. Nếu sau 3 tháng khách hàng không có nhu cầu mua nữa, chủ đầu tư sẽ thu mua lại và trả thêm 10% tiền lãi cùng với số tiền gốc đã đóng, còn nếu tìm được khách mua giá cao hơn thì sàn bán giùm, chỉ cần chút ít phí môi giới. Nhưng khi tôi hỏi tính pháp lý của dự án và độ tin cậy của chủ đầu tư thì hầu như môi giới đều lấp lửng, ấp úng. Đây là chiêu lừa tiền lấy cọc thôi, chứ không có đất thực”, chị Ngọc cho hay.
Một trường hợp khác là anh Thanh, ngụ ở quận 7 cho biết anh cũng được dụ đi dự lễ mở bán căn hộ hạng sang ở một khách sạn 5 sao tại quận 1, đến nơi thì môi giới mời đi xem dự án ở Vũng Tàu. “Đi khoảng gần 2 tiếng ra đến gần Vũng Tàu, họ dẫn khách và chúng tôi đi xuống một khu đất trống ven biển và giở bản đồ vẽ 3D ra để mời gọi. Khi tôi nói có việc cần cho tôi về, và tôi không chịu cọc thì nhân viên môi giới và tài xế thách thức nói muốn đi thì ra thuê taxi mà đi”, anh Thanh kể.
Điểm chung chiêu trò “lùa gà” của các sàn môi giới BĐS ở TP. HCM là tập trung khách có nhu cầu tại một điểm cà phê, sang trọng hay thuê sảnh tại các trung tâm tổ chức hội nghị, tiệc cưới, khách sạn 5 sao, sau đó đưa lên xe đi thăm dự án. Thực chất các dự án đó chỉ là những khu đất trống. Môi giới sau đó làm lễ ra mắt sang trọng, quay xổ số nhằm lừa người mua đặt cọc.
Tổng Hợp
(VietnamFinance , Dân Trí)