Thực tế, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, không ít chủ đầu tư đã ký kết hợp tác với các sàn môi giới nhằm giới thiệu, quảng bá dự án. Dù thế, không ít môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, rao bán cả sản phẩm bất động sản không được pháp luật cho phép.
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn các tỉnh đã được thắt chặt. Tuy nhiên, tại một số địa phương tình trạng môi giới quảng cáo rao bán, huy động vốn rầm rộ bằng hình thức hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay vốn vẫn diễn ra công khai.
Đáng quan ngại nhất là chất lượng của những người hành nghề môi giới BĐS. Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, mặc dù lực lượng tham gia rất hùng hậu với khoảng trên 300.000 người nhưng những môi giới BĐS thực sự qua đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ có khoảng 30.000 người, nghĩa rằng chỉ bằng 1/10 con số thống kê, chiếm khoảng 10%. Song đó chỉ là con số thống kê người hành nghề môi giới BĐS tại các sàn giao dịch, còn thực tế môi giới tự phát (hay còn được gọi là cò đất) thì không thể thống kê hết được.
Khi xảy ra sự cố, những môi giới này lại không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng. Khách hàng cho biết, dù dự án chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định, nhưng từ tháng 11/2021, Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLC Homes (FLC Homes) thuộc Tập đoàn FLC giao cho Công ty cổ phần Dịch Vụ & Địa Ốc Đất Xanh Miền Bắc (Đất Xanh Miền Bắc) mở bán căn hộ chung cư này.
Để “lách luật” bán dự án chưa đủ điều kiện, chủ đầu tư đã ký “văn bản thỏa thuận” với khách hàng. Số tiền mà khách hàng đã đóng được chuyển thành “phí dịch vụ tư vấn đăng ký chọn mua căn hộ hình thành trong tương lai”.
Một đại diện khách hàng chia sẻ: “Chúng tôi biết thông tin về dự án này qua sàn Đất Xanh Miền Bắc quảng cáo. Sàn môi giới này cũng là người nhận tiền đặt cọc của chúng tôi và kết nối chúng tôi với chủ đầu tư để ký các thỏa thuận tiếp theo cũng như nộp tiền”.
Theo lộ trình, chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng mua bán căn hộ tòa nhà này với khách hàng (mua đợt đầu tháng 11/2021) vào tháng 3 năm nay, đối với khách hàng mua đợt sau thì vào tháng 6, tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 3 đến nay, chủ đầu tư đã dừng thi công, không thực hiện theo cam kết ban đầu với khách hàng.
Không chỉ các vụ việc như tại dự án Kosy Lita Hà Nam hay khu nhà ở Hạp Lĩnh tại Bắc Ninh được nêu trong bài viết trước, ngay tại Hà Nội, hàng trăm khách hàng đang là nạn nhân của việc mua căn hộ chung cư CT2 (tên thương mại là FLC Hausman) thuộc khu đô thị FLC Premier Parc Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) khi chủ đầu tư chưa được phép mở bán, huy động vốn. Khách phải đối mặt với việc không thể nhận được căn hộ mình đã nộp tiền mua, bởi dự án này đang bị “đứng hình” sau khi cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt.
Không ít dự án khu đô thị, nhà ở dù chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng và chưa được cấp thẩm quyền cho phép kinh doanh theo quy định nhưng đã được môi giới quảng cáo, rao bán rầm rộ dưới nhiều hình thức. Thực trạng này đang gây nhiễu loạn thị trường, tiềm ẩn các rủi ro tranh chấp, an ninh…
Bộ Xây dựng sẽ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản. Bộ phối hợp UBND các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản theo quy định pháp luật.
Về tổ chức thực hiện kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường bất động sản; kiến nghị giải pháp để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh; tiếp tục hoàn thiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025”; hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Các mục tiêu của kế hoạch là hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thời gian qua, với sự gia tăng nhanh về dân số và tiến trình đô thị hóa dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng cao, kéo theo đó là hoạt động môi giới BĐS cũng nở rộ ở khắp các tỉnh, TP trên cả nước. Nhưng hoạt động môi giới BĐS đã không còn dừng lại ở giá trị thuần túy đúng nghĩa là phục vụ những người có nhu cầu thực về nơi ăn chốn ở mà đã chạy theo xu thế thị trường, là những cuộc môi giới mua bán giữa nhà đầu tư với nhau, nhằm mang đến những lợi nhuận chênh lệch, vì thế nên tài sản nhà đất gần như không tạo ra được giá trị thặng dư.
Tổng Hợp