Nhiều dự án bất động sản mở bán, nhân viên môi giới ra sức chào mời sau thời gian dài “im hơi lặng tiếng”
Thực tế, hơn 1 năm qua, thị trường bất động sản luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung và “thiếu vắng” khách hàng. Lượng giao dịch sụt giảm kỉ lục, dòng tiền yếu và niềm tin của nhà đầu tư bị sụt giảm. Trước tình hình trên, nghề môi giới bất động sản cũng lao đao. Nhiều công ty, sàn giao dịch có hơn phân nửa nhân viên môi giới đã nghỉ việc.
Tuy nhiên, từ quý III/2023, nhiều doanh nghiệp bất động sản lựa chọn chiến lược tung hàng để đón dòng tiền “bắt đáy” từ nhà đầu tư. Hàng nghìn sản phẩm căn hộ mới được chào bán trên thị trường đã khiến hoạt động môi giới sôi nổi trở lại.
Khảo sát thực tế tại TP.HCM, nhiều dự án đang được chào bán trên thị trường, trong đó tập trung ở phân khúc trung cấp đến cao cấp. Đơn cử như dự án Elysian Lò Lu của Gamuda Land; Avatar 9X và Moonlight Avenue, 9X An Sương của chủ đầu tư Hưng Thịnh…
Khoảng một tháng nay, không khí tại công ty của anh Toàn (nhân viên môi giới bất động sản công ty Uniland) nhộn nhịp, sôi nổi hẳn. Theo anh Toàn, công ty của anh vừa hợp tác thành công với một chủ đầu tư, nhận được giỏ hàng là dự án căn hộ mới giáp ranh TP.HCM nên đang tập trung nhân lực để triển khai kế hoạch bán hàng.
“6 tháng đầu năm 2023, tình hình của anh em môi giới trong công ty tôi rất ảm đạm. Không có hàng mới để bán, giỏ hàng cũ thì giá cao kiếm khách không ra. Nhiều người không trụ nổi phải bỏ nghề, kiếm công việc khác để mưu sinh. Tuy nhiên, từ đầu quý III/2023 đến nay, thị trường có vẻ đã dần khởi sắc. Trước mắt, tôi cố gắng tìm khách, thuyết phục khách mua hàng để hoàn thành chỉ tiêu về doanh số”, anh Toàn chia sẻ.
Trường hợp khác, chị Bích Liên (nhân viên môi giới công ty B.) đang miệt mài gọi điện giới thiệu thông tin cho khách hàng. Chị Liên cho biết, trước đây trung bình gọi 10 cuộc thì chỉ có 1-2 khách hàng chịu giữ máy để lắng nghe người môi giới trao đổi. Thì nay, lượng khách hàng chịu nghe nhân viên môi giới tư vấn, giới thiệu sản phẩm đã tăng lên khá nhiều.
Chị Liên cho biết, nguyên nhân chính là thời gian qua không có giỏ hàng mới nên chị chỉ gọi để chào bán các dự án cũ, giá thứ cấp; hoặc là các dự án đất nền lẻ, ở các khu vực xa TP.HCM; hoặc các dãy trọ… Công ty của chị hiện nay đã tung dự án căn hộ mới trên thị trường với quy mô hơn 700 căn, giá chỉ dao động 3 tỷ động cho căn 65m2. Đây là giá bán khá hợp lí trong bối cảnh giá nhà leo thang nên lượng khách hàng có nhu cầu ở thực hoặc đầu tư khá quan tâm.
“Khó khăn lắm, công ty mới có dự án để bán. Vì vậy, anh em môi giới chúng tôi đang cố gắng dùng hết khả năng để tìm khách. Thị trường dần sôi động, có hàng để bán thì dù việc tìm kiếm khách có khó khăn đến đâu thì chúng tôi cũng cố gắng”, chị Liên nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, sau thời gian trú ẩn trong ngân hàng, dòng tiền cá nhân đã bắt đầu giải ngân vào các giao dịch bất động sản từ quý II/2023. Giới đầu tư bắt đầu hành trình đi săn đất khi thị trường xuất hiện điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao.
“Tại thị trường Hà Nội, đất nền là loại hình có nhu cầu tìm mua cao nhất, tăng 12% so với tháng 9. Phân khúc đất nền từ 1 – 3 tỷ đồng được lựa chọn do thanh khoản tốt, có khả năng kinh doanh, đem lại dòng tiền ổn định. Ưu điểm vượt trội của dòng sản phẩm này là khoảng giá trong khả năng thanh toán, nhà đầu tư dễ dàng sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay thêm một phần vốn ngân hàng nhưng vẫn kiểm soát được áp lực tài chính hàng tháng.
Đây là tín hiệu mừng để khơi thông dòng tiền cũng như đang tạo đà cho nền kinh tế hồi phục sau thời gian bất động sản án binh bất động”, ông Đính nói.
Còn theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, phân khúc đất nền dưới 2 tỷ đồng ở Hà Nội đang được nhiều khách hàng và nhà đầu tư tìm mua. Đây là mức giá tầm trung, vừa phải, phù hợp với tài chính của số đông nhà đầu tư cũng như khả năng chi trả của người mua ở thực.
Tuy vậy, những tín hiệu tích cực hiện mới chỉ tập trung ở phân khúc đất nền giá rẻ có mức giá dưới 2 tỷ đồng, còn nhìn chung thị trường đất nền ở những phân khúc giá cao hơn, tình hình giao dịch vẫn ảm đạm. Nhiều lô đất giá trị lớn dù đã giảm giá 20-30% nhưng vẫn chưa giao dịch được.
Nhiều nhà đầu tư dự đoán phải đến giữa năm 2024 hoặc muộn hơn là cuối năm 2024, thị trường đất nền mới có thể vận hành lại quỹ đạo bình thường khi nền kinh tế ổn định hơn, hàng lang pháp lý thông thoáng hơn.
Tổng Hợp
(VTC, Dân Việt)