Đơn giản, tiện lợi là ưu điểm của Mobile Money, song cũng là nỗi lo khiến nhiều người chưa dám đăng ký sử dụng dịch vụ, mặc dù một số nhà mạng đã bắt đầu hướng dẫn người dân đăng ký.
Trong khi lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn nở rộ, thì nhà mạng chưa có giải pháp ngăn chặn kịp thời, khiến nhiều khách hàng sập bẫy. Rủi ro của Mobile Money nếu xảy ra, như khẳng định của các nhà mạng, chủ yếu là do sự chủ quan của người dùng, không phải do lỗi của nhà mạng.
Với Mobile Money, việc thanh toán qua tài khoản di động khi mua sắm sẽ đơn giản, tiện lợi, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa mà không cần dùng tài khoản NH hay thẻ ATM… NHNN đánh giá mạng lưới, công nghệ của các công ty viễn thông sẽ cung cấp dịch vụ Mobile Money đến người dân với chi phí thấp hơn. Đồng thời, giúp các NH tiếp cận khách hàng mà không cần phải mở rộng mạng lưới, chi nhánh, các phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bức xúc, thời gian qua, rất nhiều tin nhắn giả mạo SMS brandname (tin nhắn định danh thương hiệu, là tin nhắn không hiển thị số thuê bao, mà chỉ hiện tên các thương hiệu đã được đăng ký và xét duyệt từ nhà mạng) diễn ra tràn lan. Nhiều khách hàng mất tiền tỷ vì tin nhắn giả mạo này. Trong khi đó, các nhà mạng chưa phối hợp kịp thời với các ngân hàng để “vá lỗ hổng” lừa đảo này. Nếu tình trạng lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn này chưa được ngăn chặn kịp thời, nhiều người lo ngại, khi được triển khai, Mobile Money cũng sẽ trở thành miếng mồi béo bở của lừa đảo công nghệ.
Trên thực tế, lừa đảo qua điện thoại xuất hiện ngày càng nhiều. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, thời gian qua, nhiều người dân tại Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên… đã bị mất tiền do dính chiêu lừa nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Các đầu số 052…; +84563…; +84528…; +84582…; +4841900…. gọi điện, nhắn tin SMS hoặc qua Zalo tới điện thoại di động của người dân với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản. Rất nhiều người dân sau khi nghe điện thoại hoặc nhận tin nhắn lừa đảo, làm theo hướng dẫn và đã bị mất tiền.
Tuần qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho hay, tội phạm lừa đảo qua điện thoại vẫn hết sức phức tạp. Thủ đoạn quen thuộc là các đối tượng giả danh người có chức vụ, quyền hạn (công an, viện kiểm sát, tòa án, cảnh sát giao thông) hoặc giả danh nhân viên bưu điện, nhân viên viễn thông, điện lực, nhân viên ngân hàng… gọi điện cho nạn nhân, sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản người dân.
Theo TS Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế trưởng NH BIDV), khi triển khai Mobile Money sẽ có nhiều rủi ro: thứ nhất liên quan đến kỹ thuật, có thể trục trặc khi chuyển tiền. Thứ hai là nhà mạng có thể sử dụng tiền trong tài khoản Mobile Money của khách hàng để sử dụng cho mục đích khác, vì thế cần có cơ chế kiểm soát chặt vấn đề này. Thứ ba là vấn đề bảo mật thông tin dữ liệu khách hàng, thứ tư là dù nguy cơ nhỏ nhưng cũng có thể phát sinh các vấn đề như sử dụng để đánh bạc online, rửa tiền… Vì thế, các đơn vị liên quan như NH Nhà nước, Bộ TT-TT, các NH cần cơ chế giám sát chéo để kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh.
Theo các chuyên gia kinh tế, thanh toán qua Mobile Money có thể thu hút sự chú ý của tội phạm công nghệ tài chính. Vì thế, việc triển khai dịch vụ này cần liên tục cập nhật và tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh tiền tệ. Một chuyên gia trong lĩnh vực trung gian thanh toán phân tích yếu tố KYC rất quan trọng với Mobile Money nhưng cũng là một thách thức với các nhà mạng trong tình trạng sim rác vẫn chưa được xử lý triệt để.
Tổng Hợp