Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để mở cửa lại nền kinh tế, nhưng quan trọng là phải có quyết tâm. Mở cửa chậm cái giá phải trả rất lớn cho nền kinh tế…
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư được dẫn lại: Trung bình mỗi tháng, cả nước có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm của cả nước, đã chịu tác động nặng nề; hầu hết các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngừng hoạt động bởi dịch bệnh.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022”. Cơ hội mở cửa lại nền kinh tế và phục hồi đang mở ra. Đặc biệt tại khu vực phía Nam và ĐBSCL, dịch bệnh đang dần được khống chế, tiến tới mở cửa lại kinh tế để doanh nghiệp hoạt động trở lại. Các ý kiến tại hội thảo đều chung nhận định: Đây là giai đoạn rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Đáng chú ý là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 117,8 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6%. Cũng trong 9 tháng năm nay, có 90,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp), tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Riêng ĐBSCL, số các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong ba tháng qua lên tới gần 90%. Các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động thông qua thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện “3 tại chỗ”, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…).
Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9/2021 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù GDP quý 3/2021 giảm mạnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04% trong khi các khu vực khác đều giảm. Sự đóng góp của ĐBSCL trong việc duy trì sự tăng trưởng của cả nước là vô cùng lớn. Sau một thời gian dài chống dịch, hiện nay nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL dần kiểm soát được dịch bệnh và từng bước nới lỏng mức độ giãn cách, thiết lập “vùng xanh” thực hiện trạng thái bình thường mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động quay trở lại làm việc.
Trong bối cảnh “bình thường mới”, tuy có nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, chính quyền các cấp, thì những nỗ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)