Hàng loạt quy định mới được đề xuất để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân, như quy định bổ sung điểm d, khoản 1, điều 8 yêu cầu “Trước khi thực hiện giao dịch mua/bán trái phiếu, nhà đầu tư phải được xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”.
Với việc thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng thời gian qua, một số doanh nghiệp có xu hướng phát hành trái phiếu huy động vốn để đầu tư góp vốn, mua cổ phần, thay vì phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh thực hay các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp. Điều này khiến dòng vốn đi sai hướng và không đáp ứng được mục tiêu phát triển của thị trường TPDN.
Vì tính chất rủi ro của thị trường chứng khoán, nhất là đang trong giai đoạn tăng nóng thời gian gần đây, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều năm qua cũng đã kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng rót vào kênh chứng khoán, rõ ràng khó có thể chấp nhận dòng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của doanh nghiệp lại tiếp tục tập trung vào đây.
Điều quan trọng hơn là quy định trên nhằm ngăn chặn dòng vốn chạy lòng vòng giữa các doanh nghiệp với nhau. Với những quy định, điều kiện phát hành trái phiếu ngày càng chặt chẽ hơn, không loại trừ khả năng có doanh nghiệp tốt đủ điều kiện phát hành trái phiếu, sau đó đem nguồn vốn huy động được đầu tư góp vốn, hoặc mua trái phiếu của những doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp có mối liên hệ liên kết mà đã không đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Như vậy, dòng tiền của nhà đầu tư rõ ràng vẫn bị luân chuyển vào những doanh nghiệp kém chất lượng.
Hay như việc những doanh nghiệp lớn có uy tín, thương hiệu và khả năng phát hành trái phiếu thành công với lãi suất thấp, sau đó dùng nguồn vốn dài hạn này đem cho những doanh nghiệp nhỏ hơn đang cần vốn nhưng không đủ điều kiện phát hành trái phiếu vay. Như vậy, dòng vốn cũng đang đi sai về bản chất. Những doanh nghiệp phát hành trái phiếu rồi đem tiền đi cho vay chẳng khác gì là trung gian tín dụng và đứng giữa ăn chênh lệch lãi suất. Đáng lưu ý là dự thảo cũng bổ sung thêm điểm a1, khoản 3, điều 8 “Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết với nhà đầu tư thì nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn”, nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.
Kể từ khi Nghị định 153 được ban hành vào cuối năm 2020, ngay từ những tháng đầu năm nay, các tổ chức đã tiến hành hỗ trợ nhà đầu tư trong việc xác minh tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp có những cá nhân không đủ điều kiện nhưng vẫn đăng ký mua vào TPDN rồi sau đó mới tìm cách hợp thức hóa tiêu chuẩn là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, vì vậy quy định mới này nhằm phòng ngừa tình trạng lách luật trên.
Một bổ sung khác là quy định về “Đại diện người sở hữu trái phiếu” để tăng cường giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành, cũng nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Theo đó, xác định rõ “Đại diện người sở hữu trái phiếu có trách nhiệm giám sát việc sử sụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu, nhận và quản lý tài sản bảo đảm, giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành và thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật chứng khoán”.
Theo báo cáo gần đây của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm nay có tổng cộng 826 đợt phát hành TPDN trong nước, trong đó có đến 803 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 468.850 tỉ đồng (chiếm 95% tổng giá trị phát hành), 23 đợt phát hành ra công chúng tổng giá trị 26.340 tỉ đồng. Có bốn đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, tổng giá trị 1,425 tỉ đô la Mỹ.
Nhóm bất động sản hiện vẫn đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.160 tỉ đồng, chiếm 38%. Trong đó có khoảng 30% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Đáng lưu ý là tỷ lệ này tiếp tục tăng lên so với tháng trước, cho thấy những rủi ro tiềm ẩn của kênh đầu tư này ngày càng gia tăng. Nếu so với tổng giá trị phát hành đạt 315.550 tỉ đồng của 11 tháng đầu năm 2020, có thể thấy thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng nóng bất chấp những cảnh báo liên tiếp thời gian qua.
Chỉ chưa đầy một năm sau khi được ban hành, nhà điều hành lại có những đề xuất chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 153 như nói trên, nhằm đảm bảo thị trường TPDN phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả hơn. Một trong những điểm bổ sung đáng chú ý là ở khoản 1 điều 5, theo đó ngoài mục đích phát hành để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, thì “doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn”.
Tổng Hợp