Tình trạng minh bạch báo cáo tài chính ở một loạt công ty bảo hiểm cho thấy rằng nhiều công ty đã cố tình làm mờ việc công bố các báo cáo tài chính.
Đơn cử như Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Hanwha Life Việt Nam, chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008 nhưng không thể tìm thấy báo cáo tài chính đầy đủ (mà chỉ có báo cáo tóm tắt) trên website của doanh nghiệp. Mặc dù mới đây, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Hanwha Life Việt Nam lọt danh sách “Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2022” do một đơn vị truyền thông lớn vừa công bố.
Tương tự là Bảo Việt Nhân thọ, BIDV MetLife, MB Ageas, Cathay Life… đến hết tháng 7/2022 vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021.
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tình trạng vi phạm công bố thông tin phổ biến hơn. Có thể kể đến những cái tên như: Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS); Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA (AAA); Công ty cổ phần Bảo hiểm Phú Hưng (PAC); Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ MSIG Việt Nam (MSIG); Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành (Xuân Thành); Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam; Công ty TNHH bảo hiểm HD…
Công ty Bảo hiểm Viễn Đông có bố trí mục báo cáo tài chính trên website công ty nhưng lại buộc phải là cổ đông và phải có tài khoản đăng nhập thì mới xem được.
Nghĩa vụ công khai báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được quy định tại Điều 104 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2019 sửa đổi; Điều 82 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 35 Thông tư số 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó: “Công bố công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm toàn bộ nội dung báo cáo tài chính đã được kiểm toán của doanh nghiệp, chi nhánh kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập”.
Thực tế cho thấy, tổng tài sản của các công ty bảo hiểm nhân thọ gia tăng nhanh chóng và một số công ty đã có nghĩa vụ nợ lên hơn 100 nghìn tỷ đồng, mà phần lớn trong số này là quyền lợi đầu tư của người mua bảo hiểm.
Sự gia tăng này cần thiết phải đi kèm với gia tăng giám sát đã được Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, và có hiệu lực từ 1/1/2023. Đây là bước tiến rất lớn trong việc quy định về trách nhiệm công khai thông tin của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Hay trước đó là thông tư 50/2017/BTC của Bộ Tài chính về vấn đề này đã có, nhưng thực thi chưa nghiêm.
Giới phân tích khuyến nghị rằng để các quy định này đi vào cuộc sống, phát huy hết hiệu lực và hiệu quả trong thực tiễn thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét, để xây dựng và hoàn thiện hơn nữa các quy định về cơ chế quản lý, giám sát, cũng như xử lý vi phạm đối với trách nhiệm công khai thông tin của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Như vậy mới bảo đảm tốt nhất sự tuân thủ, chấp hành pháp luật một cách nghiêm minh, chính xác và đầy đủ trong thực tiễn, phòng tránh và hạn chế tối đa các vi phạm có thể xảy ra.
Mặc dù pháp luật hiện hành quy định rất rõ về nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhưng Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, sửa đổi, bổ sung tại các Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 và Nghị định số 80/2019/NĐ-CP ngày 01/11/2019; Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ, lại không có quy định về chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ công khai báo cáo tài chính nêu trên.
Công bố thông tin là kỷ luật thị trường đối với hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm đã được các cơ quan quản lý trên toàn cầu áp dụng nhằm đảm bảo cho thị trường bảo hiểm phát triển bền vững và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người mua bảo hiểm. Yêu cầu công bố thông tin của báo cáo tài chính là một trong các động lực cho sự tăng trưởng ấn tượng của ngành bảo hiểm thời gian qua. Những tổn thất không may xảy ra về sức khỏe (khám chữa bệnh, tử vong), tài sản, phương tiện… được bù đắp kịp thời bởi các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ nhiều năm qua.
Tổng Hợp