Ngày 6/3 vừa qua, nhiều chi nhánh của Công ty cổ phần F88 tại TP.HCM bị cơ quan chức năng khám xét. Đây là công ty có hai quỹ ngoại rót vốn là Mekong Capital và Quỹ Granite Oak.
Chỉ sau 10 năm thành lập, chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích F88 đã có hơn 830 phòng giao dịch trên toàn quốc. Tốc độ tăng trưởng dư nợ và khách hàng trong 3 năm liên tiếp của đơn vị này đạt gần 200%.
Trong kế hoạch, năm 2023, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (F88) dự kiến giải ngân gần 1 tỷ USD, tương đương 22.000 tỷ đồng và sẽ chính thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2024 với quy mô vốn hóa đạt 1 tỷ USD, hệ thống phòng giao dịch đạt 1.400 phòng.
Vậy, những ông lớn nào đã “rót” tiền để F88 lớn mạnh như hiện nay?
Đầu tiên phải kể đến Quỹ đầu tư Mekong Enterprise Fund IV. Cách đây ít hôm, Quỹ này chính thức thông báo việc tiếp tục đầu tư vào chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích F88 với số vốn góp vào khoảng 20 triệu USD và là lần thứ 3 liên tiếp đầu tư cho F88, sau các năm 2017 và 2020 (con số dù không được tiết lộ – PV).
Quỹ đầu tư Việt Nam Oman (VOI) cũng vừa công bố đầu tư vào F88 với tổng giá trị góp vốn lên đến 30 triệu USD. VOI là quỹ đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước Việt Nam và Ủy ban Đầu tư Chính phủ Oman.
Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán về cơ cấu cổ đông và tỷ lệ nắm giữ của Mekong Capital, F88 cho biết, tính tới cuối năm 2022 cơ cấu cổ đông hiện tại của Công ty là: ông Phùng Anh Tuấn nắm giữ 17,84% cổ phần, Quỹ đầu tư Mekong Capital nắm 37,03%, Quỹ Granite Oak giữ 11,63%.
Như vậy Mekong Capital là cổ đông lớn nhất và có quyền phủ quyết tại F88 (theo Luật Doanh nghiệp, cổ đông/nhóm cổ đông nào sở hữu tỷ lệ đạt 35,1% vốn điều lệ trở lên, thì cổ đông/nhóm cổ đông đó có quyền phủ quyết, tức không thông qua những vấn đề/nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thuộc Khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp).
Khi được hỏi các quỹ ngoại đang rót vốn vào F88 có phản ứng thế nào trước sự việc đang xảy ra tại Công ty, F88 cho biết, các quỹ ngoại đang đầu tư tại F88 chưa có ý kiến gì về sự việc này. Công ty đang cập nhật thông tin đầy đủ theo đúng tiến trình và đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về việc “Có thông tin cho rằng F88 bị kiểm tra vì đòi nợ theo kiểu cưỡng đoạt tài sản, có đúng không?”, F88 không phủ nhận cũng không xác nhận, mà thông tin, F88 là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cho vay bằng hình thức cầm cố tài sản được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật.
“Tất cả hoạt động của F88 được dựa trên quy trình, quy định chặt chẽ của Công ty, dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật. Đối với các trường hợp nhân viên vi phạm quy định, làm sai quy trình của Công ty, chúng tôi luôn có những chế tài thống nhất, rõ ràng, đảm bảo uy tín của công ty”, phía F88 cho biết.
F88 cũng cho biết thêm, mới đây, công an TP.HCM và lực lượng chức năng có phối hợp kiểm tra trụ sở làm việc của F88 liên quan đến một nhân sự công tác trong lĩnh vực thu hồi nợ của F88 khi thực hiện việc thu hồi nợ đối với khách hàng đã quá hạn thanh toán nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng cầm cố. Công ty đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để điều tra rõ sự việc này để tránh làm ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng, cũng như người lao động của mình.
Thông tin mới nhất, công tác khám xét điều tra tại chi nhánh F88 tại TP.HCM đã kết thúc vào chiều ngày 7/3/2023 và văn phòng F88 chi nhánh TP.HCM đã hoạt động bình thường trở lại.
Về phía F88, Công ty đã cử đại diện và nhân viên tại văn phòng TP.HCM phối hợp cung cấp thông tin đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Hiện cơ quan chức năng chưa có thông tin thêm về vụ việc điều tra.
“Ngoài ra, cũng trong ngày 6/3/2023, tại một số phòng giao dịch của F88 trên địa bàn TP.HCM cũng diễn ra hoạt động kiểm tra hành chính thông thường, không phải phong tỏa như một số báo đã đưa tin”, F88 thông tin và cho biết, hiện tại tất cả các phòng giao dịch của F88 vẫn đang hoạt động bình thường.
F88 đã nhiều lần gọi vốn đầu tư từ các quỹ ngoại để phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh.
Ngày 2/3 vừa qua, F88 thông báo đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương gần 1.200 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với hai nhà đầu tư dẫn đầu vòng này là Quỹ Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).
Trước đó, tháng 11/2022, F88 cũng phát đi thông báo đã huy động thành công khoản vay có đảm bảo trị giá 50 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng, từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds và thêm 10 triệu USD, tương đương 240 tỷ đồng, từ Lendable. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của CLSA và Lending Ark vào F88, và F88 là doanh nghiệp thứ 2 tại Việt Nam huy động thành công hạn mức tối đa 50 triệu USD từ quỹ tài chính này. Với khoản vốn huy động được, F88 sẽ sử dụng vào việc phát triển mạng lưới và tăng trưởng quy mô kinh doanh.
Trong năm 2022, F88 đã huy động thành công 70 triệu USD từ hai tổ chức tài chính quốc tế lớn tại châu Á và châu Âu. Mục tiêu của F88 là IPO vào năm 2024, khi đó số lượng PDG của đơn vị sẽ đạt 1.400 phòng và quy mô vốn hoá doanh nghiệp đạt 1 tỷ USD.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Đầu Tư Chứng Khoán)