Theo VCBS, mặt bằng lãi suất trong năm 2022 được dự báo đi ngang trong biên độ hẹp, áp lực tăng của lãi suất huy động, nếu có, được dự báo là không lớn.
Mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay đã giảm mạnh trong thời gian qua. Điều này cho thấy nỗ lực của ngân hàng trong việc giảm lãi vay cho khách hàng dù áp lực nợ xấu tăng, trích dự phòng cao, nhất là với khoản nợ tái cơ cấu vì dịch bệnh. Nhưng để giảm được lãi suất cho vay, trước hết, ngân hàng phải cắt giảm chi phí đầu vào cũng như tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh trong thời gian qua, khiến huy động tiết kiệm khó khăn và ngân hàng phải tái tăng lãi suất gần đây.
Sang tháng 1/2022, SCB một lần nữa tăng ưu đãi cho khách hàng. Lãi của các khoản vay kỳ hạn 6 tháng tăng từ 6,45% lên 6,65%, kỳ hạn 7 tháng tăng từ 6,55% lên 6,7%, kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,8% lên 7%. Đồng thời, lãi suất kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng tại SCB tiếp tục nhích lên 7,35%/năm, tăng 0,2% so với tháng cuối cùng của năm 2021. Đặc biệt, từ 10/1/2022, SCB áp dụng mức “đỉnh” 7,6%/năm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được ưu đãi này. Để được hưởng mức lãi suất đặc biệt, khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Không chỉ SCB mạnh tay tăng lãi suất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất.
Cụ thể, VPBank kỳ hạn 36 tháng cung cấp mức lãi suất cao nhất cho khách hàng. Trong tháng 1/2022, con số này lên đến 6,3%/năm, tăng 0,9%/năm so với tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, khách gửi tiết kiệm trên 50 tỷ mới được hưởng mức lãi này. Còn với khách hàng phổ thông, lãi suất kỳ hạn 36 tháng chỉ là 5,1%/năm, tăng 0,2%.
Nhiều ngân hàng khác cũng cùng xu hướng tăng lãi suất: Lãi suất tại Techcombank tăng 0,15%-0,8%, tại Sacombank tăng 0,2%, tại OceanBank tăng 0,1%-0,5%… Trong khi đó, vẫn có một số đơn vị đi ngược xu hướng thị trường khi điều chỉnh giảm lãi suất. Đó là BacABank, GPBank và NCB.
Còn nhóm “tứ đại gia ngân hàng” bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank vẫn duy trì biểu lãi suất cũ. Mức cao nhất tại Vietcombank và VietinBank chỉ là 5,6%/năm, tại BIDV và Agribank là 5,5%/năm. Nhận định về lãi suất trong năm 2022, Công ty chứng khoán VCBS cho rằng, việc thu hẹp các gói chính sách tiền tệ nới lỏng là xu hướng trong năm 2022. Tuy nhiên, sẽ có thời điểm nghỉ trước khi ghi nhận các mức tăng lãi suất.
Trong suốt năm 2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hồi phục kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại duy trì mức lãi suất thấp. Riêng lãi suất tiết kiệm bình quân trong năm 2021 dưới 7%/năm. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2021 và sang đầu năm 2022, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm. Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, trong năm 2021, nguồn tiền nhàn rỗi đã chuyển hướng khi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh. Tuy nhiên hiện nay khi cầu vốn khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm 2021, đầu 2022 và khi dịch bệnh được kiểm soát, thì ngân hàng cũng phải đẩy mạnh huy động vốn. Từ đó, mặt hàng lãi suất đầu vào điều chỉnh tái tăng trở lại cũng là bình thường.
Hết năm 2021, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều ngân hàng lớn đã hạ lãi suất cho vay 4 lần. Với thị phần chiếm tới gần một nửa thị trường tín dụng trong nước, hầu hết các mức lãi suất cả huy động lẫn cho vay của hệ thống ngân hàng đều nhìn vào việc các ngân hàng lớn ấn định mức lãi suất thế nào. Tuy nhiên, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay đang gặp phải áp lực, đó là lạm phát. Không những vậy, sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, cộng thêm nhu cầu tín dụng tăng, đang là những sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất.
Tổng Hợp