Mối lợi của các cổ đông là “đại gia” bất động sản khi nắm giữ cổ phiếu ngân hàng không phải từ việc tăng giá cổ phiếu, hay khoản cổ tức không mấy hấp dẫn của nhà băng. Rất có thể, lợi ích mà các ông chủ, bà chủ tập đoàn bất động sản kỳ vọng khi “rót tiền” như Maritime Bank nâng sở hữu tại ngân hàng hay được “kết nạp” trong dàn lãnh đạo chủ chốt là có thể “bẻ lái” tín dụng đến dự án bất động sản “sân sau”.
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, quan hệ tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp giữa ngân hàng với doanh nghiệp bất động sản sân sau đều có những liên hệ nhất định.
Không ít ý kiến cho rằng, Maritime Bank có phần “ưu ái” đối với các dự án của TNR. Bởi MSB có mặt trong rất nhiều dự án mà TNR triển khai như TNR Grand Palace Thái Bình, TNR Star Riverside Nam Sách, TNR Stars Đồng Văn,… Để giám sát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu chéo, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã quy định về giới hạn tín dụng. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Tổng dư nợ của một khách hàng và người liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có (dư nợ này đã bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp phát hành).
Maritime Bank mới đây đã quyết định bán 7,9 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 0,67% vốn điều lệ ngân hàng cho cổ đông là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam, một công ty con thuộc Tập đoàn TNG. Trước đó, vào tháng 11/2020, một công ty con khác cũng thuộc TNG là TNS Holdings đã nhận chuyện nhượng 32,2 triệu cổ phiếu MSB từ CTCP Bất động sản Xây dựng Hưng Thịnh. Đồng thời, TNS Holdings còn nhận chuyển nhượng gần 21,8 triệu cổ phần MSB từ CTCP Đầu tư Xây dựng TNCons Việt Nam (TNCons), một công ty con khác thuộc Tập đoàn TNG.
TNS Holdings cũng là đơn vị liên quan với MSB khi bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch TNG Holdings là vợ của ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Song có thể thấy, quy định trên chưa thể giám sát được hết các quan hệ sở hữu vô cùng phức tạp hiện nay. Lý do là nhiều tập đoàn bất động sản hiện sở hữu hàng trăm công ty con, công ty cháu. Thông qua mạng lưới công ty con, cháu chằng chịt này, một doanh nghiệp rất dễ – vô tình hoặc cố ý vượt hạn mức 15%. Bên cạnh đó, đang xuất hiện các nhóm liên kết mà chủ sở hữu không vi phạm quy định về “người liên quan”, tức ngân hàng có thể cho các nhóm liên kết này vay vượt 25% vốn tự có của mình mà không phạm luật.
Đây cũng là lý do giải thích vì sao, cho dù sở hữu chéo, về mặt danh nghĩa đã giảm đi rất nhiều, song giới chuyên gia vẫn lo ngại về khả năng kiểm soát tín dụng của cổ đông và người liên quan.
Tại Thaiholdings của bầu Thụy, báo cáo tài chính năm hợp nhất sau soát xét năm 2020 của Thaiholdings cho thấy, nợ vay của doanh nghiệp tăng vọt trong năm vừa qua, trong đó có phần lớn từ nguồn vay nợ ngân hàng. Đáng chú ý, trong 918 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn củaThaiholdings thì có đến hơn 570 tỷ đồng từ đến từ một ngân hàng cho vay. Tính đến cuối năm 2020, nợ vay ngắn hạn tại ngân hàng nói trên chiếm tới 49% và xấp xỉ bằng tổng nợ vay ngắn hạn tại Agribank, BIDV và SHB cộng lại.
Maritime Bank với cú “nhào lộn” hơi quá đà
Sau cú sốc “đắm thuyền” từ đơn vị chủ quản cũ Vinaline, và cũng tới 3 – 4 năm rậm rịch chờ đợi, cuối cùng Maritime Bank cũng đã chính thức lên sàn chứng khoán với nhiều cơ hội và hứa hẹn. Riêng đối với ngân hàng này mà nói, đây là minh chứng cho những nỗ lực của ban lãnh đạo, cụ thể là vợ chồng Chủ tịchTrần Anh Tuấn.
Theo thông tin từ HoSE, hơn 1,17 tỷ cổ phiếu MSB của Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) chính thức giao dịch trên HoSE từ ngày 23/12/2020, giá tham chiếu là 15.000 đồng/cp. Tương ứng, vốn hoá thị trường của ngân hàng thời điểm chào sàn vào khoảng 17.600 tỷ đồng.
Maritime Bank được thành lập năm 1991. Cổ đông lớn gồm có Vinaline, Gemadept và Công ty Vận tại biển (VOS). Được nuôi dưỡng bởi những tập đoàn và tổ chức lớn, sau 30 năm kể từ ngày thành lập (năm 1991), MSB đã vươn mình từ một ngân hàng có 40 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu, nay đã đạt con số 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chặng đường phát triển của MSB không thiếu những con sóng lớn của biển cả. Và hình bóng của Vinalines dường như lại là nỗi ám ảnh lớn đối với ngân hàng này trong nhiều năm trời.
Từ khi tham gia vào Maritime Bank, ông Tuấn đã rất quyết liệt trong việc xây dựng một ngân hàng mới về hình ảnh. Đầu tiên ông Tuấn đổi nhận diện thương hiệu ngân hàng từ màu xanh nước biển sang màu đỏ kèm theo hình ảnh tượng trưng con số 1. Năm 2019, ghi nhận bước chuyển mình của MSB khi chính thức thay đổi nhận diện thương hiệu và biểu tượng logo tên viết tắt từ Maritime Bank sang MSB.
Đây là lần thứ hai ngân hàng thay đổi nhận diện thương hiệu trong 28 năm hoạt động. Bên cạnh ra mắt thương hiệu mới, MSB cũng thay đổi toàn diện về chiến lược và mô hình trải nghiệm khách hàng. Maritime Bank cải tổ nhân sự qua việc mạnh tay cắt giảm hàng loạt cán bộ cũ mang dấu ấn của Vinaline và chịu chi để thuê CEO là chuyên gia tài chính kỳ cựu quốc tế như Citibank và Deutsch Bank.
Nhờ chiến lược rõ ràng trong hướng đi, trong giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản MSB đã tăng trưởng 19,2%; tỷ lệ CASA luôn ở mức cao (9 tháng đầu năm nay đạt trên 22%) góp phần giúp hoạt động ngân hàng thuận lợi hơn; tăng trưởng huy động cao dù ngân hàng không nằm trong nhóm đua lãi suất cao, thậm chí là luôn thấp hơn mức trung bình thị trường; dư nợ cho vay tăng tốt và trải đều ở các mảng, trong đó tập trung vào các khoản vay có tài sản đảm bảo để phòng ngừa rủi ro. Lợi nhuận của MSB chủ yếu đến từ các phần ngân hàng lõi, tăng đều qua các năm, trong 11 tháng đầu năm nay đã đạt hơn 2.300 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2020, tổng nợ xấu của MSB tăng 31% so với đầu năm lên 1.703 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của MSB tăng từ mức 2,04% hồi đầu năm lên mức 2,32%. Dòng tiền của ngân hàng thể hiện âm, tính đến quý III/2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh -5.600 tỷ đồng, lưu chuyển thuần từ hoạt động trong kỳ âm tương tự.
Một yếu tố đáng chú ý trong cơ cấu tín dụng của MSB, tỷ trọng cho vay bất động sản chiếm 23% trong tổng dư nợ giai đoạn 2019 trở về trước. Đến cuối năm 2020, ngân hàng này có kế hoạch giảm xuống dự kiến còn 13% do giải ngân trong các lĩnh vực cuối năm sẽ tập trung vào cho vay năng lượng, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, con số thực tế cũng còn khó xác định. Chẳng hạn cho vay năng lượng vẫn ẩn chứa phần bất động sản năng lượng,… So sánh với các ngân hàng khác, Maritime Bank hiện là một trong những ngân hàng có tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực bất động sản cao nhất.
Cũng không khó hiểu tại sao ngân hàng Maritime Bank lại tham gia sâu vào lĩnh vực hấp dẫn nhưng rủi ro cao này. Chủ tịch MSB – ông Trần Anh Tuấn là chồng của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cả hai đều là những doanh nhân từng học tập và làm ăn tại Nga (trước đây là Liên Xô Cũ) sau đó trở về Việt Nam kinh doanh từ giữa những năm 90. Hoạt động kinh doanh của vợ chồng doanh nhân này cũng gắn liền với TNG Holdings, một tập đoàn đa ngành nhưng nổi bật trong lĩnh vực bất động sản thương mại và khu công nghiệp.
Hốt đậm Bất động sản “của nợ” của Maritime Bank chuyển mình ngoạn mục để lên sàn
Nhiều dự án bất động sản được phát triển dưới các thương hiệu của TNR Holdings là khách hàng của Maritime Bank. Điển hình là dự án TNR Goldmark City do công ty Việt Hân làm chủ đầu tư.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Việt Hân đã nhiều lần giao dịch tài sản bảo đảm với Martitime Bank. Gần đây nhất, ngày 27/4, công ty sử dụng 551 căn hộ chưa bán thuộc dự án để làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng này. Trước đó, đầu năm 2016, Việt Hân từng sử dụng 2.000 căn hộ cũng thuộc dự án TNR Goldmark City để làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng Maritime Bank.
Không chỉ mang các căn hộ thuộc dự án đi cầm cố tại Maritime Bank, một nguồn tin cho biết, Việt Hân cũng chính là một cổ đông nắm giữ hàng chục triệu cổ phiếu của Maritime Bank (MSB) trong năm 2017, công ty này cũng nhiều lần sử dụng số cổ phiếu MSB làm tài sản bảo đảm tại một ngân hàng khác.
Maritime Bank không chỉ nhận cầm cố một dự án do TNR Holdings phát triển. Được biết, các chủ đầu tư của những dự án Gold View, Gold Season và Gold Silk cũng có lịch sử giao dịch tài sản bảo đảm dày đặc với ngân hàng này.
Cụ thể, năm 2017, CTCP Bất động sản Mỹ đã sử dụng 398 căn hộ chưa bán thuộc dự án Gold Season làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng. Năm 2018, CTCP Bất động sản Hano VID sử dụng nhiều căn nhà liền kề tại dự án Gold Silk làm tài sản bảo đảm tại Maritime Bank. Cuối năm 2019, CTCP May Diêm Sài Gòn cũng sử dụng các căn hộ sẽ bán trong tương lai của khu cao ốc Hòa Bình (Gold View) làm tài sản bảo đảm tại Maritime Bank.
Đầu tháng 11/2020, Công ty cổ phần TNS Holdings (mã TN1, sàn HoSE) cho biết nhận chuyển nhượng thêm 10 triệu cổ phiếu của Maritime Bank với giá 23.000 đồng/cổ phiếu. Bên chuyển nhượng là Công ty cổ phần Bất động sản Xây dựng Hưng Thịnh. Tổng giá trị chuyển nhượng là 230 tỷ đồng.
TNS Holdings có vốn điều lệ là 176 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 406 tỷ đồng. Tài sản của doanh nghiệp này nằm chủ yếu ở các khoản phải thu ngắn hạn với giá trị tại ngày 30/9/2020 là 452 tỷ đồng. Quý III/2020, TNS Holdings đạt lợi nhuận sau thuế 34,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng cũng sụt giảm khi chỉ đạt 76 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm 2019 đạt 87 tỷ đồng.
Động thái 2 cho thấy MSB đã chuẩn bị chu đáo trước khi đưa cổ phiếu lên sàn. Tính đến ngày 30/9/2020, MSB đã tất toán toàn bộ trái phiếu đã phát hành cho VAMC theo kế hoạch đề ra trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Điều này tạo ra lợi thế cho MSB duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn khi có thể chủ động hơn trong việc trích lập dự phòng, gia tăng lợi nhuận cũng như đảm bảo nâng cao chất lượng tài sản giữa bối cảnh kinh tế biến động và dịch bệnh diễn biến khó lường.
Những tin tốt thường được doanh nghiệp tung ra ồ ạt trước thời điểm cổ phiếu chính thức lên sàn. Điều này tạo tiền đề thuận lợi cho giá cổ phiếu. Thực tế, MSB cũng đã có thời gian dài chuẩn bị lên sàn từ năm 2016. Gần đây nhất, ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào cuối tháng 4/2019 đã thông qua kế hoạch niêm yết vào quý III/2019. Đến tháng 11/2019 thì có thông tin HOSE đã nhận được hồ sơ niêm yết của MSB. Tuy nhiên, kết quả ngân hàng đã không đạt được mục tiêu đề ra.
Ghi nhận tại bản cáo bạch niêm yết, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ 13,05% vốn tại MSB. Tổ chức trong nước nắm 49,22% vốn, trong đó duy nhất VNPT là cổ đông lớn với 6,09% vốn (tương đương 71,5 triệu cổ phần). Tổ chức nước ngoài hiện giữ 29,18% vốn còn lại.Việc nhà đầu ngoại sở hữu gần tối đa room của ngân hàng này là thông tin khá bất ngờ.
Chủ tịch HĐQT MSB là ông Trần Anh Tuấn, hiện cùng vợ là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đồng sáng lập Tập đoàn TNG (tiền thân là VID) với hàng loạt đơn vị liên quan, bao gồm TNS Holdings. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu hiện nay của Chủ tịch và người liên quan hiện không được công bố cụ thể.
Tuy nhiên, TNS Holdings – đơn vị thành viên TNG nhận chuyển nhượng 10 triệu cổ phần MSB hồi tháng 11 tương ứng tổng giá trị 230 tỷ đồng cũng cho thấy nhóm cổ đông gia đình ông Tuấn đã tăng sở hữu. Việc tăng sở hữu này tiếp nối động thái trước đó vào ngày 29/10, TNS Holdings đã nhận chuyển nhượng gần 21,8 triệu cổ phần MSB từ Đầu tư Xây dựng TNCons Việt Nam, tổng giá trị chuyển nhượng hơn 305 tỷ đồng.
Mặt khác, số lượng cổ phiếu quỹ MSB đang giữ hơn 100,5 triệu đơn vị, tương đương 8,56%. Dự kiến sau khi lên sàn, ngân hàng sẽ tiến hành kế hoạch chào bán cổ phiếu quỹ ra công chúng. Theo kế hoạch, tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tương đương 825,2 tỷ đồng. Ngoài ra, MSB còn nắm 18 triệu cổ phiếu quỹ, lượng cổ phiếu này cũng đã được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận dùng để bán/thưởng cho Cán bộ nhân viên ngân hàng.
Như vậy, dù cá nhân chỉ sở hữu 152.000 cổ phiếu MSB, tương ứng 0,01% nhưng quyền lực của ông Trần Anh Tuấn ở ngân hàng này thể hiện ngay vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Trần Anh Tuấn.
Kiên Cương