Để vực dậy thị trường bất động sản, từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức hàng loạt cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang gặp vướng mắc. Làm sao để khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư bất động sản…
Đơn cử, tại TP.HCM, chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo Thành phố đã liên tiếp có 3 cuộc họp gặp gỡ các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục các dự án bất động sản.
Hay như mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Dù nghị định mới chưa phải đã giải quyết được nhiều khó khăn cho thị trường, song đây là động thái chính sách đem lại niềm tin và hy vọng cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dưới tác động tích cực từ chính sách, thị trường bất động sản gần đây đã giao dịch trở lại. Mặc dù chưa thể sôi động ngay, nhưng điều này cho thấy dấu hiệu vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.
“Thị trường bất động sản quý I/2023 đã có tín hiệu tích cực khi cơ quan quản lý triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp đang duy trì hoạt động thông qua việc cơ cấu, căn chỉnh và triển khai các dự án nhằm chuyển giao nhanh chóng cho khách hàng. Trong quý II/2023, Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi và xử lý những vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư với các dự án nhóm nhà ở gồm: dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ… Do vậy, dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm hơn vào cuối quý II/2023”, ông Đính tin tưởng.
Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM gần như tê liệt vì thiếu dòng tiền và vướng mắc pháp lý, khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả khách hàng lao đao. Từ hoạt động môi giới đến tiến độ xây dựng tại nhiều công trình rơi vào cảnh đìu hiu. Nhiều dự án tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận… đang xây dựng dở dang phải ngưng thi công.
Nhiều thành viên thị trường cũng lo ngại, hệ lụy có thể dự báo từ việc thị trường mất thanh khoản, dự án ngừng xây dựng, không chỉ tác động trực tiếp với bản thân các doanh nghiệp địa ốc, mà nguy cơ là tình trạng hàng loạt khách hàng đã mua nhà kéo đến các doanh nghiệp đòi nhà hoặc lấy lại tiền.
Mới đây, một tập đoàn bất động sản hàng đầu tại phía Nam đã có thư gửi đến các khách hàng đã mua nhà của doanh nghiệp này và được cam kết hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng. Nội dung thư là thông báo thay đổi chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà.
Theo thông báo này, khách hàng đã mua nhà phải chủ động trả lãi vay hoặc tất toán khoản vay với ngân hàng, thay vì được phía công ty hỗ trợ lãi vay như cam kết ban đầu. Lý do, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tín dụng thắt chặt, mặt bằng lãi suất tăng, doanh nghiệp không thể hỗ trợ được nữa.
Trong năm 2022, đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế, bất động sản của thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển.
Một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để, như: hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số tồn tại, bất cập; nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện dẫn đến nguồn cung bất động sản; nhà ở giảm nhiều so với thời gian trước; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp; trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, thị trường, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.
Vẫn còn đó là những dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS như Novaland, Nam Long, Hưng Thịnh, Sơn Kim… vướng mắc nhiều năm chưa được tháo gỡ. Các doanh nghiệp này mong muốn TP.HCM sớm giải quyết để giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân, tăng nguồn cung, đồng thời, góp phần tạo động lực thúc đẩy thị trường BĐS TP.HCM phát triển ổn định.
Đơn cử như câu chuyện của Novaland. Phần lớn các dự án của tập đoàn này vướng mắc liên quan đến việc chưa được duyệt tính tiền sử dụng đất dù đã kiến nghị nhiều lần. Nhưng, đáng nói nhất là dự án 30,2ha tại TP. Thủ Đức do Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (thành viên Novaland) làm chủ đầu tư.
Ngày 11/12/2020, UBND TP.HCM ban hành quyết định hủy chủ trương chuyển đổi khu 30,2 ha Bình Khánh từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại. Đến ngày ngày 16/12/2020, UBND TP.HCM ban hành quyết định chấm dứt giao khu đất cho Công ty Thế kỷ 21.
Doanh nghiệp đề nghị UBND TP.HCM xem xét chấp thuận cho công ty được tiếp tục triển khai dự án nhà ở thương mại do khu đất có nguồn gốc tự bồi thường và đã đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
Đối với Sơn Kim Land, doanh nghiệp này kiến nghị liên quan đến dự án Khu phức hợp Sóng Việt nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.
Hiện, vướng mắc lớn nhất của dự án là chưa được cấp xác nhận đủ điều kiện bán nhà, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với công trình được xây dựng trên lô 1-17. Phía Sơn Kim cho biết, nguyên nhân là do thiếu cơ chế giải quyết các vướng mắc phát sinh mà không do lỗi của chủ đầu tư.
Còn tại lô 1-16, công trình đã được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng theo đúng các quy định pháp luật hiện hành từ năm 2021, nhưng đến nay, khách hàng mua căn hộ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tổng Hợp
(ĐTCK, Nhà Đầu Tư)