Trong khi HAGL Agrico kinh doanh có lãi trở lại sau 6 quí thua lỗ liên tiếp nhờ mảng trái cây, thì Hùng Vương cũng có nguồn lực để triển khai dự án chăn nuôi heo bị kẹt từ 3 năm trước do thiếu dòng tiền.
Sau một thời gian khá dài “nhường” sân chơi M&A cho các doanh nghiệp lớn đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các doanh nghiệp lớn trong nước như Vinamilk, Thaco, Masan,…cũng đã để lại những dấu ấn của riêng mình trên thị trường M&A.
Thay vì chọn đối tượng đang trong giai đoạn kinh doanh ổn định như ThaiBev thâu tóm Sabeco, SCG mua Nhựa Bình Minh, Central Group mua Big C, hãng dược Taisho Nhật Bản mua lại Dược Hậu Giang,… Câu chuyện M&A của các DN trong nước phần nào cho thấy một hướng đi khác, thích giải bài toán khó.
Cả Thaco, Masan, hay thậm chí Vinamilk đều chọn những công ty mục tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh khó khăn. Riêng hai thương vụ M&A của Thaco mới đây vốn được nhiều sự quan tâm. Bởi cả hai công ty mục tiêu đều có những nét rất tương đồng – nặng nợ và khát vốn.
Nhìn lại năm 2018, khi CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – Mã: HNG) của “bầu” Đức đang chìm ngập trong thua lỗ và nợ nần, cổ phiếu HNG đã bật tăng giá hơn gấp đôi chỉ vỏn vẹn chưa đầy 3 tháng.
Sự xuất hiện của ông Trần Bá Dương cùng thông tin CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đồng ý tham gia vào quá trình tái cơ cấu HAGL Agrico lúc bấy giờ được xem như là lời giải thích cho việc cổ phiếu HNG tăng vọt.
Theo kế hoạch, Thaco sẽ sở hữu trên 35% tổng số cổ phần của HAGL Agrico, hỗ trợ HNG cơ cấu lại nợ vay và đầu tư vào các dự án cây ăn trái với mục tiêu nâng diện tích khai thác lên 30.000 ha vào năm 2020.
Đầu năm 2020, Thaco tiếp tục công bố thương vụ M&A mới. Đích đến lần này là một tên tuổi khác trong ngành thuỷ sản – CTCP Hùng Vương (Mã: HVG), doanh nghiệp lớn trong ngành xuất khẩu cá tra đang phải vật lộn với những món nợ hàng nghìn tỉ đồng và khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.
Cũng như HNG, Thaco đầu tư 35% cổ phần, tham gia điều hành, hỗ trợ Hùng Vương tái cấu trúc, chấn chỉnh chiến lược và khó khăn tài chính. Đồng thời, cả hai cùng bắt tay thành lập liên doanh sản xuất heo giống 45.000 con trong năm 2020, tổng giá trị đầu tư 2.000 tỉ đồng, với doanh thu dự kiến năm 2020 dự kiến 550 triệu USD. Trong đó, Thao rót vốn 65% vào liên doanh.
Có thể thấy, không như các DN Thái Lan hay Hàn Quốc, với ưu thế về dòng vốn rẻ, họ thường lựa chọn những doanh nghiệp có thị trường và kinh doanh có lợi nhuận tương đối ổn định, hai thương vụ M&A của Thaco được ví như hai canh bạc của ông Trần Bá Dương. Dù vậy, những tín hiệu tích cực đầu tiên đã xuất hiện tại cả HAGL Agrico và thậm chí là Hùng Vương.
Những chuyển biến tại HAGL Agrico
Ngay trong năm 2019, quá trình tái cơ cấu đã được đẩy mạnh khi Thaco liên tục rót vốn mua cổ phần, cử người vào HĐQT và thành lập công ty con trong lĩnh vực nông nghiệp (Thadi) để bao tiêu sản phẩm, đảm bảo nguồn tiêu thụ cho HAGL Agrico.
Đồng thời, HAGL Agrico cũng tiến hành chuyển đổi một số vườn cây cao su, cọ dầu kém hiệu quả tại Việt Nam, Lào và Campuchia để chuyển sang trồng cây ăn trái.
Việc phát sinh thêm nhiều chi phí trong khi vườn cây chưa mang lại hiệu quả khiến HAGL Agrico lỗ kỉ lục 2.426 tỉ đồng trong năm 2019 (một phần do ảnh hưởng của trận lũ lụt tại Lào), mặc dù vậy tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện kể từ thời gian này.
Với việc chuyển nhượng các công ty con gồm Cao su Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên cho Thadi giúp HAGL Agrico có thêm nguồn lực để thanh toán trước hạn hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu và các khoản nợ vay.
Theo đó, đến cuối năm 2019 doanh nghiệp “bầu” Đức đã xóa sạch nợ trái phiếu; nợ vay cũng giảm xuống còn 9.205 tỉ đồng, trong đó vay ngắn hạn giảm từ 5.879 tỉ đồng xuống còn 4.655 tỉ đồng và vay dài hạn giảm từ 9.551 tỉ đồng xuống còn 4.550 tỉ đồng. Nhờ vậy, chi phí lãi vay cũng giảm từ 145,5 tỉ đồng xuống 123,5 tỉ đồng.
Các khoản thanh toán điển hình có thể kể đến như hơn 2.300 tỉ đồng trái phiếu của VPBank, gần 2.200 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi của Thaco và hơn 3.000 tỉ đồng khoản vay từ công ty mẹ HAGL.
Đến quí I/2020, Thaco và HAGL tiếp tục chuyển đổi các khoản cho vay HAGL Agrico từ ngắn hạn sang dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp này giảm bớt áp lực tài chính. Theo đó, dù tổng nợ vay tăng lên 9.691 tỉ đồng nhưng vay ngắn hạn đã giảm 54,3% xuống còn 2.128 tỉ đồng, chi phí lãi vay cũng giảm hơn một nửa xuống còn 80,2 tỉ đồng.
Ngoài những chuyển biến tích cực về tình hình tài chính, hoạt động tái cơ cấu vườn cây của HAGL Agrico đã bước đầu đem lại hiệu quả trong quí đầu năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Cụ thể, doanh thu quí I/2020 đạt 666,3 tỉ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kì năm 2019 nhờ diện tích khai thác và cả sản lượng trái cây đều cải thiện. Doanh thu trái cây trong kì tăng từ 218,5 tỉ đồng lên 570,4 tỉ đồng, bù đắp cho cả mức sụt giảm doanh thu từ mủ cao su (từ 101,5 tỉ đồng xuống 68 tỉ đồng).
Lợi nhuận gộp đạt 273 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số 92 tỉ đồng cùng kì năm trước. Nhờ vậy, HAGL Agrico đã chính thức có lãi trở lại sau 6 quí thua lỗ liên tiếp, dù mới đạt 2,9 tỉ đồng (cùng kì năm trước lỗ hơn 99 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng dương trở lại, đạt hơn 932 tỉ đồng, chủ yếu nhờ người mua trả trước tăng từ 197 tỉ đồng lên 1.067 tỉ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm từ 1.551 tỉ đồng xuống 1.431 tỉ đồng.
Trong Báo cáo thường niên 2020, HAGL Agrico cho biết, đến cuối năm 2019 công ty đã trồng được 18.305 ha cây ăn trái, trong đó 5.736 ha đã đi vào khai thác với các sản phẩm chủ lực là chuối, xoài, mít, bưởi và thanh long. Như vậy, mục tiêu nâng diện tích cây ăn trái lên 30.000 ha đã hoàn thành được 61% chỉ sau hơn một năm tái cơ cấu.
Năm 2020, HAGL Agrico đề ra mục tiêu duy trì chăm sóc tốt diện tích cây ăn trái đang có, đồng thời làm việc với ngân hàng để có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất nhằm ứng phó với hậu quả của dịch bệnh COVID-19.
Theo Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, tồn tại và duy trì khối tài sản to lớn của cổ đông là mục tiêu tối thượng của HAGL Agrico trong năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HNG cũng đã có những tín hiệu phục hồi so với thời điểm cuối quí I/2020. Phía Thaco và các cổ đông liên quan gần đây đã tiếp tục mua gom cổ phiếu HNG, tổng tỉ lệ sở hữu của Thaco và cá nhân, tổ chức có liên quan hiện đã tăng lên 37,17% vốn điều lệ của HAGL Agrico.
Tiếp bước HAGL Agrico, Hùng Vương cũng đẩy mạnh tái cơ cấu
Về phần Hùng Vương, sau lễ kí kết hợp tác chiến lược, đến ngày 3/4 Thaco và các cổ đông liên quan đã nâng sở hữu tại doanh nghiệp này lên 35%; với tổng cộng gần 79,5 triệu cổ phiếu như kế hoạch.
Hiện Hùng Vương vẫn chưa công bố BCTC quí đầu năm 2020 nên chưa thấy được sự thay đổi về mặt tài chính, dù vậy những tín hiệu khởi sắc ban đầu cũng đã được chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Tại đại hội, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương cho biết, với kế hoạch đầu tư vào mảng chăn nuôi heo, công ty đã vướng phải khó khăn tài chính trong ba năm liền do chậm vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, kể từ khi hợp tác với Thaco, vấn đề này đã được giải quyết.
Hai bên cam kết hợp tác đầu tư vào mảng chăn nuôi heo và chế biến thức ăn chăn nuôi, dự kiến đến tháng 6/2020 liên danh này sẽ có chuồng trại cho 18.000 heo bố mẹ, hết năm 2020 sẽ tăng đàn bố mẹ lên 30.000 – 45.000 con.
Trong khi đó, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An giang (Agifish – Mã: AGF), công ty con lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực chế biến cá tra đã bắt đầu có những tín hiệu ổn định trở lại. Quí I/2020, Agifish chỉ còn lỗ ròng hơn 2 tỉ đồng, trong khi quí I/2019 con số lỗ lên tới 122 tỉ đồng.
Hiện nợ vay của Agifish cũng đã giảm đáng kể, từ đỉnh điểm trên 1.000 tỉ đồng năm 2015, hiện nợ vay của công ty đã giảm 1/2 xuống mức 500 tỉ đồng. Dù còn nhiều khó khăn, những tín hiệu tích cực cũng đã xuất hiện. Năm 2020, công ty đặt mục tiêu có lợi nhuận trở lại, khoản lãi dự kiến là 22 tỉ đồng.
Theo đó, Hùng Vương đặt kế hoạch kinh doanh ban đầu năm 2020 cao kỉ lục với tham vọng doanh thu đạt 12.524 tỉ đồng, lợi nhuận dự kiến khoảng 790 tỉ đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kế hoạch giảm xuống còn 11.562 tỉ đồng doanh thu và 350 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tích hợp giá trị
Có thể thấy chiến lược đầu tư vào mảng nông nghiệp của Thaco dù bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã đạt được kết quả tích cực. Năm 2019, Thaco đã bắt đầu ghi nhận sự đóng góp của mảng nông nghiệp với doanh thu 1.565 tỉ đồng.
Thaco cũng đã cho thấy vai trò của mình không chỉ dừng lại ở góc độ hỗ trợ về tài chính và thao gia tái cấu trúc cong ty. Thời gian qua, Chu Lai Logistics – thành viên của Thaco cho biết đã đẩy mạnh khai thác hàng nông – lâm sản, hàng hóa công nghiệp của các doanh nghiệp tại khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi và Tây Nguyên xuất – nhập khẩu thông qua cảng Chu Lai nhằm tạo nguồn hàng đối lưu hai chiều cho các tuyến hàng hải quốc tế và nội địa.
Đầu năm Canh Tý, Thaco cho biết trong tháng 1/2020, Thadi đã xuất khẩu 60 container trái cây qua cảng Chu Lai. Dự kiến năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2019. Trong đó, trái cây xuất khẩu dự kiến 110.000 tấn, qua đó góp phần thực hiện chiến lược trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp của Thaco.
Với Chu Lai, chi phí Logistics, vốn là điểm yếu của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam sẽ được Thaco rút ngắn. Tạo cơ hội cho không chỉ nông sản của HAGL Agrico, Thadi, mà còn kết nối cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Phát biểu trong Hội nghị với Thủ tướng vừa qua, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco cho biết những tín hiệu tích cực trong việc kết hợp xuất khẩu nông sản đang góp phần tích cực vào hoạt động của cảng Chu Lai,
“Từ trước đến nay, Thaco nhập linh kiện về nhưng phải xuất trên 90% container rỗng về thành phố hoặc ra Hải Phòng và hàng xuất khẩu tại miền Trung thường phải đưa vào thành phố sau đó mới xuất đi các nước dẫn đến giá thành vận chuyển cao gấp rưỡi so với hai đầu của đất nước”.
“Thời gian vừa qua với sự nỗ lực xuất khẩu linh kiện, xe, hàng may mặc đồ gỗ và nhất là hàng nông sản của Hoàng Anh Gia Lai, lượng xuất khẩu rất lớn.
Tháng 4 vừa qua mặc dù dịch nhưng đạt 1.000 container. Dự kiến cuối năm sẽ đạt khoảng 1.500 conatainer/tháng và sang năm 2021 sẽ đạt khoảng trên 2.000 container/tháng. Như vậy, đến cuối năm nay, giá thành tại Chu Lai Quảng Nam sẽ bằng ở thành phố và Hải Phòng”, ông Trần Bá Dương cho biết.
Đối với Hùng Vương, sau khi bắt tay thành lập hai công ty liên doanh mới là Công ty TNHH Giống – Chăn nuôi Tịnh Biên An Giang và Công ty TNHH Giống – Chăn nuôi Việt Thắng Phù Cát với với công suất nuôi heo đạt hơn 36.000 con và 44.000 con, mới đây, Hùng Vương cũng vừa thông báo sẽ góp vốn thành lập thêm Công ty TNHH Sản xuất Heo giống và Thức ăn Chăn nuôi Việt Đan với vốn điều lệ ban đầu là 556 tỉ đồng.
Công ty mới có trụ sở chính tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, do CTCP sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi góp 75% vốn và HVG sẽ góp 25% phần vốn điều lệ còn lại.
Thực tế, các nhà đầu tư hiện vẫn chưa hình dung được Thaco sẽ làm gì để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình trong lĩnh vực chăn nuôi heo, ngoại trừ việc sở hữu đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Thắng và dự án chăn nuôi heo còn dở dang của Hùng Vương.
Hiện giá thịt heo vẫn ở mức cao, theo đánh giá của ông Trần Bá Dương, đây là cơ hội khuyến khích đầu tư bài bản, lâu dài cho ngành chăn nuôi để nguồn cung được đầy đủ và các cơ quan quản lí không cần phải bận tâm giải cứu cho người nuôi heo hay can thiệp điều hành giá thịt heo. Đó cũng là cơ hội để xây dựng ngành chăn nuôi heo để xuất khẩu.
Đan Nguyên
Theo Kinh tế & Tiêu dùng