Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá dịch bệnh là cơ hội để những công ty có tiềm lực tài chính gom dự án với giá hợp lý, mở rộng quỹ đất cho phát triển trung, dài hạn.
Nhiều thương vụ được triển khai
Từ tháng 6, LDG Group (HoSE: LDG) công bố nhận chuyển nhượng dự án khu căn hộ Sông Đà Riverside từ Công ty Bất động sản Hiệp Phúc, công ty con của Quốc Cường Gia Lai. Để thực hiện, LDG Group mua 99,9% cổ phần Hiệp Phúc với giá 626 tỷ đồng. Sau thương vụ, LDG Group đổi tên dự án thành khu căn hộ LDG River với vốn đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng, quy mô 2,8 ha tại Quốc lộ 13, quận Thủ Đức.
Cũng tháng 6, công ty Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) nhận chuyển nhượng 99% phần vốn góp tại CTCP Bến Thành – Long Hải, đơn vị sở hữu Khu du lịch Bến Thành – Long Hải (tên thương mại Tropicana Beach Resort & Spa) và Wyndham Tropicana Resort & Villa Long Hải.
Dự án Wyndham Tropicana Long Hải được quy hoạch trên tổng diện tích đất 12,64ha. Cách đây gần một năm, Công ty Bến Thành Long Hải ra mắt dự án và dự kiến bàn giao cho khách hàng vào quý IV/2021. Còn dự án Khu du lịch Bến Thành – Long Hải được xây dựng trên khu đất rộng 12,5ha, tọa lạc tại xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.
Thông tin trên truyền thông cũng cho biết Tập đoàn Danh Khôi đã mua lại 100% nguồn vốn từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier để trở thành chủ đầu tư dự án Sun Frontier. Dự án tọa lạc trên đại lộ Bạch Đằng, tiếp giáp 2 mặt tiền đường Bình Minh 5 và Trần Văn Trứ, có tầm nhìn ra sông Hàn và biển Mỹ Khê. Sau khi mua lại dự án này, Tập đoàn Danh Khôi đã triển khai dự án với tên gọi mới là The Royal – Boutique & Condo Da Nang (The Royal).
CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres – HoSE: SGR) cho biết xác định M&A là một trong những chiến lược xuyên suốt mà công ty đặt ra không chỉ trong năm 2020 mà cả những năm tiếp theo. Hồi tháng 3, Saigonres đã nhận chuyển nhượng 20% phần vốn góp tại dự án Khu nhà ở phía Nam đường Xuyên Á từ CTCP Địa ốc 9.
Lãnh đạo công ty cho biết đang tìm kiếm các dự án mới, thực hiện các thương vụ M&A để tích lũy dự án bất động sản có pháp lý rõ ràng và chuẩn bị cho chiến lược trung, dài hạn. Hiện, công ty đang thực hiện bồi thường phần đất còn lại một dự án tại quận Thủ Đức, TP.HCM để hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng.
M&A dự án bất động sản khu vực phía Nam được thực hiện ở nhiều phân khúc. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Cơ hội M&A
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 cho biết, Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn. Ông Thìn nhấn mạnh có khoảng 200 dự án từ nhiều chủ đầu tư đã được giới thiệu tới Đất Xanh, đây là cơ hội mua dự án chưa từng có với giá hợp lý.
Tại một sự kiện, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT công ty Nam Long (HoSE: NLG) nhận định thời điểm này là cơ hội để Nam Long phát triển quỹ đất. Theo ông Quang, nhiều dự án được chào ra thị trường để tìm kiếm đối tác mua, Nam Long sẽ ưu tiên quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, kết nối hạ tầng đồng bộ và đã đóng tiền sử dụng đất. Ghi nhận trên báo cáo tài chính tính đến 30/6, công ty đã tạm ứng 456 tỷ đồng để mua quyền sử dụng đất ở một số công ty tại Hải Phòng, Cần Thơ, TP.HCM. Ngoài ra, công ty còn đặt cọc tiền mua đất với giá trị 168 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Nam Long sẽ chi khoảng 500 – 1.000 tỷ đồng để mở rộng quỹ đất hàng năm, với số lượng gia tăng tối thiểu từ 15 – 20ha. Hiện tại, công ty đang có 681ha quỹ đất phát triển dự án ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, vùng ven TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Cần Thơ; vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng… Mục tiêu của doanh nghiệp này là tìm kiếm các quỹ đất mới phù hợp với việc phát triển các dòng sản phẩm hoặc khu đô thị.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc An Gia (HoSE: AGG) đánh giá sau giai đoạn cao điểm của Covid-19, đây là “thời điểm vàng” đi mua dự án trong khi nửa năm trước gặp khó vì giá cao, khó đàm phán. Theo ông Sáng, ban lãnh đạo đang tiếp tục mua dự án và mục tiêu mỗi năm bán 3.000 – 5.000 sản phẩm. Chiến lược mua dự án của An Gia là có pháp lý tương đối, giá có thể cao nhưng tốc độ triển khai sẽ nhanh. An Gia thường mua dự án rồi sau 6 – 9 tháng phải bán hàng, nhằm hạn chế rủi ro. Như vậy, một năm có thể triển hai 2 – 3 dự án.
Một số ý kiến cho rằng M&A vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi việc giới hạn tỷ lệ vốn vay gây tình trạng khan hiếm nguồn lực triển khai dự án của doanh nghiệp. Cộng với việc nhiều dự án không bán được hàng do dịch bệnh, thị trường sẽ có tình trạng một số chủ đầu tư yếu năng lực tài chính tìm kiếm chuyển nhượng dự án theo hình thức M&A…
Ở góc độ ngược lại, những nhà đầu tư có tiềm lực thực hiện M&A để rút ngắn thời gian tham gia thị trường, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính liên quan dự án. Khi thị trường bước vào giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh cũng là lúc M&A được lựa chọn.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chia sẻ, từ năm 2019 đến nay, một số dự án bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM đang trong quá trình thương lượng mua và chuyển nhượng với tổng giá trị hơn 500 triệu USD. Dự kiến quý III và IV, một số giao dịch sẽ diễn ra nếu thuận buồm xuôi gió.
Theo Khổng Chiêm/NDH