Một số doanh nghiệp bất động sản mới đây đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán và ghi nhận sụt giảm lợi nhuận cả trăm tỷ đồng, có doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.
Năm 2021, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành 568 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng tiền phạt lên tới 2,95 tỷ đồng. Trong đó, các vi phạm chủ yếu là về công bố thông tin.
Cơ quan chức năng thực chất vẫn luôn “mạnh tay” xử phạt các doanh nghiệp niêm yết lập báo cáo tài chính sai. Mới đây nhất, Công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang bị xử phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch số liệu. Hồi tháng 7 vừa rồi, Công ty cổ phần Louis Land cũng bị phạt tới 200 triệu đồng hay Công ty cổ phần One Capital Hospitality (chủ hãng kem Tràng Tiền) cũng bị phạt 150 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch trong báo cáo tài chính tự lập với báo cáo soát xét.
Trong quá khứ, hàng loạt các doanh nghiệp do lập báo cáo tài chính sai lệch so với báo cáo kiểm toán cũng đã phải nộp phạt như Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HNG), Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (mã chứng khoán: CII), Công ty cổ phần Camimex Group (mã chứng khoán: CMX)… Ngoài nộp phạt tiền, các doanh nghiệp đều phải cải chính thông tin.
Theo các chuyên gia, chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là các nhà đầu tư cá nhân có ít thông tin và kinh nghiệm.
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cho biết đến hết tháng 8 vẫn có tới 12 doanh nghiệp chưa nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm nay. Hôm 30/8 vừa rồi, Phó tổng giám đốc HoSE Trần Anh Đào đã có văn bản nhắc nhở các đơn vị này.
Trong 12 doanh nghiệp chây ỳ nghĩa vụ nộp báo cáo đã soát xét nửa đầu năm, có thể kể đến một số cái tên như Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC), Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC), Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (mã chứng khoán: LGL), Công ty cổ phần Long Hậu (mã chứng khoán: LHG), Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (mã chứng khoán: SJF)…
Công ty cổ phần Thaiholdings (mã chứng khoán: THD) ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 217 tỷ đồng trên báo cáo tài chính soát xét bán niên năm nay, giảm hơn 180 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 93,9 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính tự lập.
Lý giải về sự lệnh pha này, Tổng Giám đốc Thaiholdings Nguyễn Văn Dũng cho biết là do công ty và đơn vị kiểm toán có quan điểm khác nhau về việc “điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ tương ứng cho những thay đổi trong vốn chủ sở hữu của công ty liên kết từ ngày đầu tư đến ngày báo cáo” khi Tập đoàn Thaigroup thực hiện thoái vốn tại Tôn Đản Hà Nội – được sở hữu chéo bởi Tập đoàn Thaigroup và Thaiholdings.
Hậu kiểm toán, một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty cổ phần Louis Capital (mã chứng khoán: TGG) ghi nhận khoản lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 18,2 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập thì doanh nghiệp báo lãi 9,6 tỷ đồng.
Cũng trong hệ sinh thái Louis Holdings, Công ty cổ phần Cáp nhựa Vĩnh Khánh (mã chứng khoán: VKC) không đảo lợi nhuận từ lãi sang lỗ nhưng lại tăng lỗ. Cụ thể, mức lỗ của công ty tăng thêm hơn 166 tỷ đồng, kéo lợi nhuận xuống mức âm 191 tỷ đồng. Louis Capital thì phải bổ sung trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và tổn thất vào công ty con. Công ty phân bổ hết lợi thế thương mại của một công ty con do có dự định chuyển nhượng cổ phần trong năm nay. Ngoài ra, công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh của công ty con.
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) cũng giảm lãi so với báo cáo tự lập hơn 2.200 tỷ đồng. Còn lợi nhuận Đô thị Kinh Bắc “bốc hơi” 2.250 tỷ đồng được doanh nghiệp này lý giải là do vội vàng ghi nhận khoản lãi từ Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng.
Theo đó, ngày cuối cùng của quý II, doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm hoàn tất mua thêm 5,7 triệu cổ phần của Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng để nâng sở hữu lên 48%, sau đó chuyển đơn vị này thành công ty liên kết. Báo cáo cho thấy giá trị hợp lý của khoản đầu tư này gần 2.500 tỷ đồng, trong khi giá trị đầu tư tương ứng chỉ 96 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Thép Pomina báo lỗ 23 tỷ đồng sau kiểm toán, trong khi báo cáo tự lập vẫn lãi sau thuế 8 tỷ đồng. Thép Pomina sau soát xét phải lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho khi giá sắt, thép liên tục giảm. Việc giá thép trên thị trường đi xuống nhanh, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào không giảm tương ứng cũng khiến giá vốn tăng cao.
Kiểm toán vào cuộc, mức lãi khiêm tốn nửa đầu năm nay của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán: TTF) cũng giảm tới 42%. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau soát xét giảm từ 7,8 tỷ đồng xuống 4,5 tỷ đồng. Đây không phải lần đầu Gỗ Trường Thành ghi nhận lợi nhuận “bốc hơi” sau kiểm toán.
Nhóm tài chính ghi nhận Công ty cổ phần Chứng khoán Hà Nội (SHS) từ lãi hơn 27 tỷ đồng theo số liệu công ty tự lập trước đó thành lỗ hơn 68 tỷ đồng. Chứng khoán SHS lại “đảo chiều” lợi nhuận do cách phân loại cổ phiếu. Cụ thể, 2 mã TCB và GEX theo báo cáo tự lập phân loại ở AFS (tài sản tài chính sẵn sàng để bán) còn đến báo cáo soát xét lại chuyển sang FPTVL (tài sản tài chính ghi nhận qua lãi lỗ).
Dù có biến động lớn sau soát xét, ít nhất các công ty trên đã tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin. Giới chuyên gia đều nhận định việc bị sụt giảm mạnh lợi nhuận sau kiểm toán cho thấy báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp không có độ tin cậy cao.
Tổng Hợp