Việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản (BĐS) được nhiều cơ quan báo chí phản ánh nảy sinh nhiều vấn đề bất cập như lúng túng với việc “xác định giá đúng”, thất thu thuế chuyển nhượng BĐS…
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong quý I, qua rà soát, cơ quan thuế căn cứ vào cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai tính thuế và tham khảo giá thực tế chuyển nhượng ở một số khu vực, vị trí tương đương đã phát hiện các rủi ro trong việc kê khai nộp thuế.
Qua yêu cầu kê khai lại các hồ sơ khai thuế có dấu hiệu vi phạm, ngành thuế đã tăng thu cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, qua kê khai lại của các tổ chức cá nhân tại một số địa phương đã kê khai giá chuyển nhượng BĐS tăng từ 2-5 lần so với giá kê khai ban đầu, đặc biệt có hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng lên 20 lần, 40 lần.
Về số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng đất đai, trong 3 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế cho biết số thu tăng trên 63%, đạt 8.200 tỷ đồng, tăng hơn 3.200 tỷ đồng so với cùng kỳ 3 tháng của năm 2020. Bộ Tài chính cho biết Bộ đã ra nhiều văn bản, chỉ đạo cho cơ quan thuế rà soát hoạt động mua bán BĐS “2 giá”, trong đó giá hợp đồng thường thấp hơn so với chi trả, giao dịch thực tế của các bên.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ, chính xác về nghĩa vụ và lợi ích trong việc thực hiện nộp thuế chuyển nhượng BĐS; những rủi ro, trách nhiệm khi kê khai giá không đúng; đồng thời tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ tính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Về lâu dài, Bộ Tài chính kiến nghị cấp có thẩm quyền trong thời gian tới tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Cấp thẩm quyền cần bổ sung quy định giao dịch chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng để minh bạch trong kiểm soát giao dịch của các ngành, phục vụ công tác quản lý giao dịch tài sản, BĐS của các chủ thể trong xã hội của các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình trước Quốc hội một số nhóm nội dung đại biểu “đặc biệt quan tâm”, trong đó có vấn đề siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản. Theo Bộ trưởng, vừa qua, có đại biểu băn khoăn việc siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản sẽ tạo điều kiện cho cơ quan thuế, còn gây ảnh hưởng với người dân. Về vấn đề này, ông Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định, người nộp thuế phải kê khai thuế trên hợp đồng đúng với giá hai bên đã thỏa thuận với nhau, nếu thấp hơn thì tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế.
“Thời gian vừa qua, có sự trốn thuế, có sự trục lợi về thuế trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Tài chính nói. Chính vì vậy, Bộ trưởng Tài chính đã có văn bản chỉ đạo cơ quan thuế siết chặt thu thuế đúng giá trị mua bán, điều này cũng tác động tới đầu cơ kinh doanh bất động sản. Theo đó, trong 5 tháng tổng thu được là 16.200 tỷ đồng, vượt thu cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết, có trường hợp chỉ kê khai 500 triệu đồng, sau đó được giải thích thì kê khai lại 10 tỷ đồng, gấp đến 20 lần. “Thậm chí có trường hợp gấp 40 lần. Còn bình quân cũng 6 lần”, Bộ trưởng Tài chính thông tin.
Trước lo ngại của đại biểu, Bộ trưởng giải thích đã có chỉ đạo cấm cơ quan thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân. Vấn đề này cũng nhằm “tiền phòng hậu kiểm”, tránh để các vụ án hình sự xảy ra.
Tổng Hợp