Nguồn cung – cầu bất động sản nghỉ dưỡng tăng mạnh. 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đạt được nhiều tín hiệu khởi sắc nhờ chính sách mở cửa thị trường, phát triển du lịch…
Trước “sức bật” của thị trường nghỉ dưỡng, các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân chính tác động đến sự hồi phục của phân khúc này. Đầu tiên là nhờ vào du lịch được khởi động và ghi nhận những bước tăng trưởng đáng chú ý. Từ cuối năm 2021 đến nay, sự tự do di chuyển trong bối cảnh bình thường mới đã giúp thị trường du lịch nội địa nóng trở lại.
Đồng thời, việc mở cửa lại đường bay quốc tế từ ngày 15/3/2022, kết hợp với chương trình “Hộ chiếu vắc-xin” tiếp tục mang đến cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Du lịch phát triển sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “trở lại đường đua” và có thể “điểm rơi” sẽ bắt đầu từ quý 2/2022.
Sức cầu chung toàn thị trường vẫn dự kiến tăng nhẹ so với quý trước, giao dịch tập trung chủ yếu vào loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng và tập trung vào những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín. Bên cạnh đó, mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort) tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá khi mọi thứ trở về trạng thái “bình thường mới”, những nơi được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp sẽ trở thành thỏi “nam châm” hút khách.
Cũng theo ông Đính, phân khúc bất động sản du lịch đã có sự cơ cấu lại với sự xuất hiện của những tổ hợp du lịch quy mô, chức năng đa dạng, thay thế cho những dự án nhỏ lẻ. Thời gian tới, hầu hết các nhà đầu tư sẽ quan tâm tới đại đô thị du lịch chất lượng cao.
Trước đó, phân khúc này dường như “đóng băng” trong suốt 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các chuyên gia cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng đã “trở lại đường đua” với nguồn cung và sức cầu tăng cao.
Cụ thể, trong quý 1/2022, số liệu của DKRA Vietnam, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng đạt khoảng 1.020 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 57% (khoảng 579 căn) trên nguồn cung mới. Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng trong khu phức hợp đón nhận nguồn cung mới khoảng 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước và gấp 12,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87%, tương đương 2.408 căn, tăng 4% so với quý 4/2021 và gấp 14,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Riêng condotel ghi nhận 613 căn mở bán, tỷ lệ tiêu thụ đạt 32% nguồn cung mới, tương đương 199 căn, gấp 3,3 lần so với quý 4/2021 nhưng chỉ bằng 43% so với cùng kỳ năm 2021.
Ở góc độ thị trường, trong quý 1/2022, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng chứng kiến những diễn biến sôi động ở một số phân khúc như biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng với nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong năm 2022, các thị trường truyền thống có thương hiệu du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,… sẽ phục hồi và có những bước trỗi dậy mạnh mẽ.
Việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013 liên quan đến pháp lý của bất động sản du lịch sẽ tạo ra tiền đề tích cực cho bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc. Dự kiến trong năm nay, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình Condotel, Officetel và Shophouse để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Đây là một trong những nền tảng vững chắc thúc đẩy tốc độ phát triển của condotel, officetel,… Thị trường bất động sản, du lịch Việt Nam trong 2 năm vừa qua, từ 2020 – 2021, chứng kiến sự gia nhập của nhiều chủ đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính với những dự án quy mô lớn từ vài trăm đến hàng nghìn hecta. Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu quản lý, vận hành quốc tế 4 – 6 sao có mặt tại các tâm điểm du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú nhằm tăng cường khả năng thu hút khách du lịch quốc tế.
Tổng Hợp