Trên thực tế, ngay từ khi thị trường bất động sản manh nha xuất hiện các cơn sốt đất mới, Bộ Xây dựng và các địa phương đã nhanh chóng chấn chỉnh lại công tác quản lý đất đai. Lực đầu tư bất động sản bật tăng vào cuối năm nhưng giá đất sốt ảo nhanh chóng diễn ra rồi cũng chóng tàn.
Bộ Xây dựng mới đây cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra “bong bóng” hoặc các diễn biến bất thường khác, dự báo tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới tại địa phương.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, để chặn sốt đất vấn đề đầu tiên là minh bạch thông tin quy hoạch, kiểm soát được dòng tiền qua kênh tín dụng. Bởi đầu tư mua đất, ngoài tiền nhàn rỗi còn dùng đòn bẩy về tín dụng. Như Trung Quốc có giải pháp quyết liệt, đầu tiên có thể cho vay khoảng 70% để mua BĐS, nhưng khi có sốt đất đòn bẩy tín dụng hạ xuống 50%, thậm chí giảm xuống còn khoảng 30%. Như vậy, để có tiền đầu tư, khách hàng phải có 70% giá trị BĐS.
Tại Bình Phước, thông tin dự kiến lập đề án quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng khiến cò đất các nơi ồ ạt đổ lên Bình Phước và biến nhiều khu vực tại các xã An Khương, Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước trở thành “chảo lửa” sốt đất. Cơn sốt đất cuối năm 2021 cũng tương tự như vậy. Tất cả đều đều liên quan đến các thông tin quy hoạch, sự thay đổi điều kiện hạ tầng và có cả những “lời đồn”. Trong đó, tin đồn là tác nhân chính làm cho giá đất tại nhiều nơi nóng lên từng ngày.
Tại Khánh Hòa những ngày qua sốt đất cũng bùng phát sau một thời gian dài im ắng. Sở dĩ có tình trạng này bởi giới đầu tư, cò đất tung tin “đại bàng chúa làm tổ”. Tại H.Cam Lâm (Khánh Hòa), sau khi có thông tin Tập đoàn Vingroup về đây làm dự án, giá đất ngay lập tức tăng chóng mặt. Cơn sốt đất lan sang TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) trước thông tin Tập đoàn Hòa Phát, FLC muốn tìm cơ hội đầu tư vào đây. Tại khu vực tỉnh lộ 5 và tỉnh lộ 8 nơi có Tập đoàn Hòa Phát xin dự án, giá đất trồng cây lâu năm trước tháng 10.2021 chỉ khoảng 20 triệu đồng/mét ngang, nay đã từ 80 – 120 triệu đồng/mét ngang, tùy khu vực. Riêng khu P.Ninh Phú (Ninh Hòa), nơi FLC có ý định xin dự án giá đất thổ dưới 5 triệu đồng/m2 nay tăng đột biến lên từ 8 – 12 triệu đồng/m2.
Đơn cử như tại Cam Lâm (Khánh Hòa), sau khi có hiện tượng “cò” đất thổi giá, đẩy giá lên cao ngất ngưởng, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đã có văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời các đối tượng tung tin trục lợi, làm ảnh hưởng xấu đến địa phương, gây hoang mang dư luận.
Đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội, cho phép mở cửa tại một số khu vực thí điểm. Ngay lập tức, thị trường bất động sản tăng nhiệt, đặc biệt tại phân khúc đất nền tại Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai rất sôi động. Bước sang tháng 11/2021, thị trường bất động sản ở nhiều khu vực như Cam Lâm (Khánh Hòa), Định Quán (Đồng Nai) xuất hiện các cơn “sốt” đất cục bộ, nhưng ở quy mô nhỏ lẻ. Các thị trường các ở các tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục nhịp sôi động.
Những ngày qua, giới đầu tư, cò đất đổ xô về H.Trần Đề và TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng) săn đất khiến giá nóng lên từng ngày. Đất ruộng lúa, đất nuôi trồng thủy sản nằm dọc hai bên đường tỉnh 934B từ TP.Sóc Trăng về H.Trần Đề được hét hàng tỉ đồng mỗi công (1.000 m2), gấp đôi so với 3 tháng trước. Khu vực từ trung tâm huyện đến cầu Mỹ Thanh 2 giá cũng đội lên gấp đôi.
Sức nóng của thị trường bất động sản sau đợt dịch lần thứ 4 chưa có dấu hiệu dừng lại khi lượng giao dịch vẫn tiếp diễn sôi động và giá một số khu vực không ngừng tăng. “Thị trường bất động sản đang sốt”, đó là đánh giá của rất nhiều nhà đầu tư trước diễn biến của kênh đầu tư hấp dẫn này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơn sốt đất này sẽ “sớm tàn” bởi thiếu đi cơ sở nền tảng. Cơn sốt đất cuối năm 2021 hình thành dựa trên niềm tin của nhà đầu tư về thị trường sau dịch. Tâm lý đổ tiền vào bất động sản gia tăng trước biến động của nền kinh tế và sự bấp bênh của các kênh đầu tư khác. Cộng thêm thông tin về quy hoạch, dự án lớn xuất hiện kéo theo cò đất đổ bộ, giá cả biến động, thị trường nóng sốt.
Tổng Hợp