Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng lần này sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm một bước để đồng bộ với thể chế phát triển kinh tế thị trường, làm rõ nội hàm về định hướng xã hội chủ nghĩa. Tức là trong từng bước, từng nấc thực hiện các chính sách chủ trướng lớn về kinh tế xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh phạm vi sửa đổi Luật Đất đai lần này gồm nhiều mục tiêu. Đầu tiên, xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) để thể chế hoá, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết của Đại hội XIII cũng như Nghị quyết 18. Bên cạnh đó là những lập trường, quan điểm, chủ trưởng của Luật phải dựa trên Hiến pháp và cương lĩnh.
Mục tiêu tiếp trong việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà là cái gì của thực tiễn đã thực hiện đã đúng, đã chứng minh, thực tiễn đã đi trước, cuộc sống đã đi trước so với trước, so với pháp luật thì phải đặt ra và giải quyết. Hay lịch sử để lại những vướng mắc tồn tại, chính sách pháp luật nói chung chưa thể xử lý được thì lần này phải giải quyết được.
Cuối cùng theo ông Hà, Bộ luật lần này phải làm để thống nhất một việc đó là cùng với Bộ luật Đất đai, cùng với thể chế hoá Nghị quyết 18 và Nghị quyết của Đảng, chúng ta thực hiện trên tinh thần là tất cả cùng vào cuộc để xoá bỏ những chồng chéo, mâu thuẫn, những khoảng trống pháp luật liên quan đất đai.
“Nhà nước, doanh nghiệp, người dân cần phải thống nhất vấn đề sửa bộ luật này để phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, đất đai vừa thể hiện tính lịch sử, văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, ngoại giao, quá khứ – hiện tại – tương lai. Do đó xem xét quản lý đất đai là quản lý cái gì, quản lý như nào, giải quyết vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật thì cái gì là chung, cái gì là riêng, cái gì mang tính chất gốc? Các vấn đề này Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải giải quyết.
“Tinh thần của Luật lần này nếu không làm được tốt hơn cho người dân, không bảo vệ được tốt hơn quyền lợi cho người dân, không bảo đảm lợi ích cho nhà nước, không giải quyết được công bằng cho các đối tượng thì chưa nên ban hành luật. Luật phải ích nước, lợi nhà, bảo đảm tính ổn định, bền vững”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Phát biểu khai mạc Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, Luật Đất đai là một trong những đạo luật lớn, quan trọng, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.
Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã thực hiện được “sứ mệnh” của mình, khi tạo ra khung khổ pháp lý hoàn thiện hơn trong lĩnh vực đất đai, nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế – xã hội; tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất; xây dựng và phát triển thị trường quyền sử dụng đất…
Tuy nhiên, với sự thay đổi rất nhanh của cuộc sống, Luật Đất đai 2013 cũng đã bộc lộ các vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Từ thực tiễn kinh doanh, ý kiến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết, vướng mắc đầu tiên đó là thủ tục hành chính về đất đai và các thủ tục liên quan rất phức tạp, đang tạo ra chi phí lớn cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
Tổng Hợp