Đòi nợ thuê là dịch vụ được đa số các công ty tài chính sử dụng để xử lý những trường hợp khách hàng cố tình chây ỳ, nợ xấu. Theo luật sư Trương Thanh Đức, việc Quốc hội thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã “cắt” đi một “cánh tay” đắc lực của các công ty tài chính.
Quốc hội vừa thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trong Luật Đầu tư (sửa đổi). Cụ thể, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6, Luật Đầu tư. Như vậy, dịch vụ đòi nợ sẽ không được phép hoạt động khi luật Đầu tư (sửa đổi) chính có hiệu lực.
Trước khi quy định trên được Quốc hội thông qua đã có nhiều tranh cãi xung quanh việc nên hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong khi đây là cánh tay nối dài, phương tiện hữu hiệu của các công ty tài chính để xử lý các khoản nợ xấu, nợ khó đòi. Sau khi quy định trên được Quốc hội thông qua lại có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về những dịch vụ biến tướng hoặc lo ngại rằng hoạt động đòi nợ sẽ còn khó kiểm soát hơn trước đây.
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2014, các doanh nghiệp khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án hiệu quả chỉ khoảng 50%, trong khi sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê hiệu quả tới 90%. Điều này cho thấy nhu cầu với các công ty đòi nợ thuê là có thực.
Trả lời về những lo ngại về những dịch vụ biến tướng, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, quy định cấm dịch vụ đòi nợ thuê sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các công ty tài chính nếu không muốn nói là ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico
“Việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê dẫn tới tình trạng các công ty tài chính có thể mất vốn nhiều hơn, khiến họ ngại cho vay, vô tình khuyến khích tín dụng đen phát triển, lãi suất của các công ty tài chính, ngân hàng cũng sẽ cao hơn vì không thu hồi được nợ xấu”, ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho rằng, Chính phủ đang đưa mình vào thế khó khi đề xuất cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê. “Với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuế, chúng ta đã chuyển từ việc chỉ phải quản lý 270 doanh nghiệp sang phải quản lý hàng chục triệu người dân tự phát đi đòi nợ thuế. Sẽ càng nhiều oan sai hơn vì người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, còn các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì đã được đào tạo bài bản, hoạt động theo luật pháp”.
Qua thực tiễn công tác, ông Đức cho biết, khi giải quyết tranh chấp tại toà, thường các doanh nghiệp xác định có khi mất tới 2-3 năm mới xong một vụ kiện. Trong quá trình giải quyết còn đủ các chi phí phát sinh, doanh nghiệp mất cả thời gian và cơ hội. Còn với dịch vụ đòi nợ thuê, doanh nghiệp có thể đòi được tiền ngay, cho dù không được 100% thì vẫn còn hơn phải chờ toà xử lý tranh chấp.
Dù có quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trong luật, thì theo ông Đức trong thực tế gần như không giải quyết được những vấn đề như Quốc hội mong muốn. “Doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ thuê hoàn toàn có thể chuyển sang hình thức kinh doanh khác như mua – bán nợ, trả tiền sau hoặc nhận uỷ quyền để đòi nợ. Những hình thức trên luật không cấm nhưng về bản chất thì vẫn là kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.
“Việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê giống như đang quản được thì lại cấm, đẩy tất cả hoạt động đòi nợ thành bất hợp pháp. Cấm như vậy không những không mang lại lợi ích gì mà còn dẫn tới hàng loạt các hệ luỵ cho xã hội và các công ty tài chính làm ăn chân chính. Với quy định trên, tinh thần hợp tác trả nợ sẽ bị trùng xuống, con nợ sẽ càng thêm chây ỳ”, ông Đức nhấn mạnh.