Lợi nhuận ngân hàng đối mặt thách thức, Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong quý I/2023 của nhiều ngân hàng tăng, nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng vọt.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Techcombank cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt 5.623,3 tỷ đồng. Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 28,5%, nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự gấp 2,8 lần cùng kỳ, khiến thu nhập lãi thuần giảm 19,5%. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế giảm 17,1% so với cùng kỳ.
Tương tự, quý I/2023, VPBank ghi nhận 18.028,5 tỷ đồng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự, tăng 26,6%, nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng gần gấp đôi, khiến thu nhập lãi thuần ít hơn 3,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế quý đầu năm nay lao dốc, chỉ đạt 2.549,6 tỷ đồng, chưa bằng 23% cùng kỳ là do thu nhập từ hoạt động khác sụt giảm, vì không có khoản thu hỗ trợ từ hợp đồng hợp tác độc quyền với Bảo hiểm nhân thọ AIA như cùng kỳ, đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng.
Với VietinBank, trong quý I/2023, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 48%, chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng 67,6%, nhưng thu nhập lãi thuần tăng 24,8% so với cùng kỳ. Cộng với lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng, nên dù lãi thuần từ hoạt động khác giảm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao, VietinBank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 2,7% so với cùng kỳ, đạt 5.980,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc phân tích một công ty chứng khoán cho biết, lợi nhuận quý I/2023 của không ít ngân hàng vẫn khả quan, một phần là nhờ giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Theo báo cáo tài chính của MB, số dư nợ xấu cuối quý I/2023 tăng 68% so với cuối năm 2022, lên 8.452 tỷ đồng, với nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,09% lên gần 1,76%. Tuy vậy, MB vẫn giảm 13% trích lập dự phòng rủi ro, giúp Ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 10,2%.
Ngược lại, có những ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng như SHB, BIDV, Vietcombank…
Các chuyên gia FiinGroup cho biết, lợi nhuận sau thuế ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, VietinBank, BIDV) tăng nhờ tín dụng tăng và biên lãi ròng được duy trì. Với nhóm ngân hàng cổ phần, vốn có tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản ở mức cao (bao gồm Techcombank), tăng trưởng lợi nhuận tại không ít nhà băng giảm tốc do tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, riêng Sacombank và ACB có lợi nhuận tăng mạnh. Tuy nhiên, tín dụng tăng rất thấp, thậm chí giảm ở một số ngân hàng bán lẻ như ACB, VIB.
Thống kê của Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy, quý I/2023, tăng trưởng trung bình lợi nhuận trước thuế của 25 ngân hàng trên sàn chứng khoán đạt xấp xỉ 6%, chậm lại đáng kể so với mức tăng xấp xỉ 30% của cùng kỳ.
Theo tính toán của bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong quý I/2023, biên lãi ròng trung bình của 25 ngân hàng niêm yết giảm 0,18% do các ngân hàng phải hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.
Bên cạnh đó, biên lãi ròng của một số ngân hàng như Techcombank, TPBank, VPBank, MB giảm đáng kể, do kênh trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động cho vay tiêu dùng gặp khó khăn.
Bà Hiền cho rằng, xu hướng tăng cho vay khách hàng doanh nghiệp và huy động từ khách hàng cá nhân sẽ duy trì tới khi lãi suất hạ nhiệt rõ rệt và nền kinh tế có sự phục hồi (ít nhất đến quý III/2023). Vì vậy, trong năm 2023, biên lãi ròng của các ngân hàng thương mại cho vay khách hàng doanh nghiệp và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng và nguồn vốn huy động phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng sẽ giảm mạnh hơn toàn ngành.
Tổng Hợp
(ĐTCK)