Nếu như trong quý 1, lãi ròng của Vinhomes (HOSE: VHM) đã kéo bình quân toàn ngành bất động sản tăng trưởng 30% (so cùng kỳ); thì sang quý 2, cả doanh thu thuần và lãi ròng của các doanh nghiệp bất động sản này đã có sự sụt giảm rõ rệt. Mặc dù vẫn có doanh nghiệp báo lãi tăng cao so với cùng kỳ; tuy nhiên, nguồn thu nhập chủ yếu lại đến từ hoạt động tài chính. Hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp này như chuyển nhượng BĐS, bán căn hộ, tư vấn môi giới… gần như đều “đóng băng” cùng với Covid-19.
Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 05/08/2020, có 63/65 doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã công bố BCTC quý 2/2020 (không bao gồm nhóm bất động sản khu công nghiệp). Những doanh nghiệp này mang về gần 55,806 tỷ đồng doanh thu thuần và 8,321 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng giảm 33% và giảm 32% so với kết quả đạt được ở quý 2/2019.
Trong đó, CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) có mức lãi ròng tiếp tục dẫn đầu toàn ngành, đạt hơn 3,758 tỷ đồng, tuy nhiên so với cùng kỳ, mức lãi này đã sụt giảm đến 49% chủ yếu do lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản và lợi nhuận từ hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty đi lùi. Tuy vậy, nhờ kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1 mà sau 6 tháng đầu năm, lãi ròng của VHM vẫn đạt hơn 10,602 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Đối với Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC), doanh thu thuần của Công ty sụt giảm gần 41% so với cùng kỳ, đạt 23,207 tỷ đồng chủ yếu do doanh thu chuyển nhượng bất động sản, doanh thu cung cấp dịch vụ khách sạn, du lịch vui chơi giải trí và doanh thu cung cấp dịch vụ bệnh viện lần lượt giảm 36%, 65% và 35% so với cùng kỳ; ngoài ra, Tập đoàn cũng không có doanh thu bán hàng tại siêu thị, cửa hàng tiện ích như quý 2/2019. Tuy vậy, lãi ròng của VIC vẫn tăng 37% so cùng kỳ, đạt 1,866 tỷ đồng nhờ vào việc ghi nhận lãi từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con.
Tương tự Vingroup, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) có doanh thu thuần sụt giảm hơn 77% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 710 tỷ đồng nhưng lãi ròng của Công ty lại tăng cao hơn 71%, đạt 891 tỷ đồng đến từ việc Novaland ghi nhận lãi từ bán Công ty con.
Nhờ bàn giao các sản phẩm đất nền của Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội Tỉnh Bình Định và dự án Phát Đạt – Bàu Cả mà doanh thu thuần lẫn lãi ròng của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) lần lượt tăng 110% và 37% so cùng kỳ, tương ứng đạt 552 tỷ đồng và 121 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (HNX: SDU) dẫn đầu trong đà tăng trưởng lãi ròng quý 2 với mức tăng gần 543%, chủ yếu do tăng các khoản từ doanh thu kinh doanh dịch vụ tòa nhà, cho thuê nhà văn phòng và doanh thu kinh doanh bất động sản. Dù vậy, mức đóng góp thực tế của SDU vào toàn ngành dường như còn khá khiêm tốn khi chỉ đạt 1.6 tỷ đồng lãi ròng.
Là một trong các doanh nghiệp có mức tăng lãi ròng trên 100%, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) có mức đóng góp cao nhất trong nhóm khi lãi ròng đạt 384 tỷ đồng chủ yếu do doanh thu thuần của Công ty tăng cao 88% (đến từ mảng bất động sản và năng lượng), đạt 1,835 tỷ đồng và các khoản chi phí khác (chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp) sụt giảm; ngoài ra còn có sự đóng góp đến từ doanh thu hoạt động tài chính.
Đối với CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE: AGG), doanh thu thuần của Công ty giảm sâu 90% do tiếp tục không có doanh thu từ việc bán căn hộ và doanh thu từ dịch vụ tư vấn môi giới, tiếp thị sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng của Công ty vẫn gấp 2.5 lần, đạt 189 tỷ đồng. Theo thuyết minh của Công ty, chính việc ghi nhận gia tăng giá trị hợp lý của khoản đầu tư lên 191 tỷ đồng đã khiến cho doanh thu hoạt động tài chính của Công ty tăng cao và đóng góp chủ yếu vào lãi ròng của An Gia.
Dù doanh thu thuần gấp gần 10 lần cùng kỳ, nhưng lãi ròng của CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) lại có sự sụt giảm đáng kể khi chỉ đạt vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Thực tế, dù doanh thu thuần tăng mạnh nhưng doanh thu tài chính của Công ty chỉ đạt hơn 30 triệu đồng giảm mạnh so với kết quả 150 tỷ đồng cùng kỳ, đồng thời chi phí tài chính gấp 12 lần và chi phí bán hàng gấp 4.9 lần đã khiến cho lãi ròng của LDG phải đi lùi đáng kể.
Bên cạnh kết quả kinh doanh trong quý 2, rất nhiều nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến diễn biến tiếp theo của LDG khi Công ty liên kết với LDG là CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) vừa hoàn tất thoái gần 88 triệu cp của Công ty và danh tính của bên nhận chuyển nhượng vẫn chưa được tiết lộ.
Mặc dù doanh thu thuần tăng cao 155%, đạt 110 tỷ đồng nhờ ghi nhận doanh thu dự án KDC Sơn Tịnh Quảng Ngãi nhưng lãi ròng của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB) lại sụt giảm gần 58% với cùng kỳ, đạt 96 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ việc chi phí tài chính của Công ty gia tăng (phát sinh từ việc phân chia lợi nhuận hợp tác đầu tư dự án KDC Sơn Tịnh Quảng Ngãi) và đặc biệt là phần lợi nhuận khác của Công ty giảm mạnh so với cùng kỳ do không có thu nhập từ nhượng quyền tham gia dự án (cùng kỳ đạt 255 tỷ đồng).
Trong quý 2/2020, có 12 doanh nghiệp BĐS niêm yết báo lỗ. Trong đó có đến 10/11 doanh nghiệp là chuyển từ lãi (quý 2/2019) sang lỗ (quý 2/2020) phải kể đến là CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC). Cụ thể, sau quý 1 thiệt hại nặng vì dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của FLC tiếp tục gặp khó khăn trong quý 2. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần của FLC giảm tới 47% về còn 1,722.2 tỷ đồng. Theo giải trình từ Công ty, doanh thu trong quý giảm mạnh do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, FLC vẫn chịu cảnh kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lỗ gộp gần 743 tỷ đồng. Quý 2 năm trước, FLC cũng chịu cảnh lỗ gộp song nhờ nguồn thu lớn từ hoạt động tài chính, Công ty vẫn báo lãi. Quý 2 năm nay, hoạt động tài chính đã không thể là động lực kéo lợi nhuận của FLC đi lên khi giảm mạnh 70% về còn hơn 242 tỷ đồng. Qua đó, FLC ghi nhận mức lỗ ‘khủng’, cao nhất toàn ngành đạt 377 tỷ đồng.
Tổng quan mà nói, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp vẫn tích cực hơn so với mặt bằng chung của ngành bất động sản. Tuy nhiên, do kết quả đi lùi đáng kể của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) mà bình quân cả nhóm đã đi lùi 43% về doanh thu thuần và lùi 62% về lãi ròng so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ đi Kinh Bắc, tổng doanh thu thuần và và lãi ròng của các doanh nghiệp này lần lượt tăng 10% về doanh thu và giảm 26% về lợi nhuận.
1.67 tỷ đồng là mức lãi ròng quý 2 thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay của Kinh Bắc và 172 tỷ đồng là mức doanh thu thuần thấp nhất kể từ quý 3/2017 của Công ty và cũng đánh dấu mức giảm doanh thu quý thứ 5 liên tiếp. Theo Kinh Bắc, sự sụt giảm hơn 59% trong doanh thu cốt lõi của Công ty – doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản cùng với việc không có doanh thu bán nhà xưởng chính là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh đi lùi.
Như Xuân