Bước sang năm 2020, việc huy động trái phiếu từ doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục cứu cánh cho những doanh nghiệp bất động sản sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư mới quy định về tỷ lệ an toàn trong hoạt động tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Bên cạnh việc giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên mức 200%.
Theo Báo cáo tổng hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 9 tháng qua, có 19 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng giá trị gần 16,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành hơn 2.700 tỷ đồng, chiếm 40,46% tổng giá trị trái phiếu phát hành trong kỳ. Riêng tháng 9/2020 có 125 đợt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 28 nghìn tỷ đồng. Kết quả, có 109 đợt phát hành của 27 doanh nghiệp thành công, huy động được 17 nghìn tỷ đồng (tương đương 61%).
Các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu trong hoạt động phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành đạt 8.087 tỷ đồng. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư & Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam phát hành 5.300 tỷ đồng, lãi suất bình quân 10,9%, kỳ hạn hơn 4 năm; Tập đoàn Sovico mới đây cũng phát hành 1.550 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Apec cũng đã thông qua phương án phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu… Đây là dấu hiệu cho thấy, hoạt động phát hành trái phiếu bất động sản đang rất sôi động.
Theo SSI Reseach, lượng trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phát hành tính riêng trong quý 3/2020 là gần 63 nghìn tỷ đồng, tập trung vào tháng 7 và 8/2020, tương đương 44% tổng TPDN mà các doanh nghiệp BĐS phát hành trong 9 tháng đầu năm 2020. Một số doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong quý 3/2020 là: CTCP Đầu tư Quang Thuận (9.450 tỷ đồng, chia làm 89 đợt), Novaland (7.017 tỷ đồng, chia làm 21 đợt), Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc (6.450 tỷ đồng, chia làm 47 đợt), CTCP BĐS Mỹ (2.364 tỷ đồng, chia làm 51 đợt)… SSI cho biết Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng phát hành 75 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tháng 9. Sang tháng 10, doanh nghiệp này phát hành tiếp 80 triệu USD trái phiếu niêm yết trên sở GDCK Đài Bắc (Đài Loan).
Một thị trường bất động sản không thể nói là tích cực nếu thiếu những nguồn vốn rẻ, dài hạn. Trong khi nguồn vốn từ ngân hàng thì đang ngày càng bị siết chặt thì việc đi tìm các nguồn vốn, các định chế tài chính khác là rất cần thiết đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Bộ phận tư vấn Savills Việt Nam cho rằng, trên thực tế việc sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp trong các dự án bất động sản là nhu cầu rất cấp thiết và chính đáng của các chủ đầu tư. Kênh dẫn vốn này đã hỗ trợ khá nhiều cho chủ đầu tư trong việc đảm bảo nguồn vốn cho dự án. Để làm ổn định hơn thị trường trái phiếu bất động sản bản thân các dự án phải được nghiên cứu đầu tư một cách đầy đủ và hạn chế rủi ro đủ hấp dẫn đối với thị trường thì việc phát hành kênh trái phiếu đều thành công.
“Phát hành trái phiếu là công cụ đang được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. Khi phát hành, các doanh nghiệp phải báo cáo tài chính rõ ràng, trung thực các hoạt động kinh doanh của mình. Do đó, trong thời gian tới, dòng vốn trái phiếu sẽ đổ vào những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tiềm lực tài chính vững vàng, nguồn vốn ổn định.” – Ông Sơn nhấn mạnh.
Tính chung 9 tháng, 88 doanh nghiệp BĐS phát hành tổng cộng 137,5 tỷ đồng trái phiếu, trong đó chỉ có 16 doanh nghiệp BĐS niêm yết phát hành 26,7 nghìn tỷ đồng, còn lại 110,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 80,6%) là do 72 doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành.
Doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu quốc tế trị giá lớn như Phú Mỹ Hưng trong thời điểm hiện nay có thể xem là hi hữu, cũng cho thấy lợi thế của các Liên doanh đầu tư có vốn ngoại trong quá trình thu xếp vốn để thu hút vốn từ thị trường bên ngoài.