Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại đang tồn tại loạt “vướng mắc”. Tắc thủ tục đầu tư dự án bất động sản, HoREA kiến nghị loạt giải pháp tháo gỡ…
“Vướng mắc” trong thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tưđồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo ông Châu, vướng mắc do quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 quy định “Nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm: Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị…” và điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định “Đối với quy hoạch đô thị, nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chi tiết (nếu có), quy hoạch phân khu (nếu có)…”.
Quy định này yêu cầu “đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu”, “giấy tờ chứng minh đất đã được giải phóng mặt bằng” (được cấp huyện xác nhận), “tài liệu chứng minh dự án không thuộc Danh mục dự án thu hồi đất”;… nên Sở Kế hoạch Đầu tư thường phát hành khoảng 10 bộ hồ sơ yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý kiến.
Theo HoREA, thủ tục này theo cơ chế “một cửa” nhưng lại bị mất nhiều thời gian hơn, không tốt hơn, thậm chí bị “tắc” ngay tại cửa “đầu tiên” là khâu “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” tại Sở Kế hoạch Đầu tư, so với trước đây làm theo cơ chế “nhiều cửa” thì doanh nghiệp có thể đồng thời trực tiếp làm việc song song với từng Sở, ngành, quận, huyện để được thẩm định nên có kết quả nhanh hơn hiện nay.
Bởi lẽ, thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” chỉ là thủ tục “khởi đầu” của dự án, chứ không phải là thủ tục để quyết định ngay “Báo cáo khả thi” của dự án, vì sau thủ tục này thì các Sở, ngành tiếp tục thực hiện thủ tục thẩm định dự án; phê duyệt quy hoạch chi tiết; giao, thuê đất; công nhận chủ đầu tư; cấp Giấy phép xây dựng; xác định nghĩa vụ tài chính.
Nhất là do sự bất hợp lý của quy định “đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đô thị” mà nếu bổ sung từ “sơ bộ” vào cụm từ “đánh giá sơ bộ sự phù hợp với quy hoạch đô thị” thì hợp lý hơn, tương tự như điểm a khoản 3 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 25 Luật bảo vệ môi trường 2015, chỉ thay thế một từ “sơ bộ” trong cụm từ “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thì đã giảm được thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Quy định “đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết” còn mâu thuẫn với khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư”, nhưng tại thời điểm này chưa được “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” thì nhà đầu tư chưa được công nhận là chủ đầu tư dự án nên lâm vào tình trạng “con gà – quả trứng”, cái nào có trước cái nào có sau.
Tổ công tác của Chính phủ được quyền xem xét các vấn đề của thị trường BĐS để trình các cấp có thẩm quyền giải quyết. Mục đích của Tổ công tác là nắm tình hình thật chính xác, đầy đủ, tìm cho được nguyên nhân, vướng mắc thuộc về cấp thẩm quyền nào giải quyết. Ví dụ, vướng mắc về luật thì cấp thẩm quyền là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, trong đó có vai trò của Chính phủ và các bộ. Tuy nhiên, vai trò của Chính phủ và các bộ chỉ là nơi đề xuất nhưng trước khi đề xuất thì các bộ phải tự rà soát và đề xuất tháo gỡ.
Động thái này của Chính phủ sẽ tác động tích cực đối với thị trường BĐS nói chung và tâm lý người dân, giúp nâng đỡ lòng tin của thị trường. Tác động lớn nhất của quyết định này chính là tính nâng đỡ về tâm lý cho toàn bộ thị trường BĐS, cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài. Bởi niềm tin hiện nay là vấn đề hàng đầu, do đó động thái này của Chính phủ rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu và rất cần sự vào cuộc của các bộ có liên quan.
Tổng Hợp