Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sovico về việc đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án tại Lâm Đồng. Hàng loạt các doanh nghiệp địa ốc đổ về Lâm Đồng “săn” đất khiến cho thị trường bất động sản tỉnh này chưa thể hạ nhiệt.
Việc các doanh nghiệp tiếp tục dồn về Lâm Đồng gom đất được cho là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản tỉnh này chưa thể hạ nhiệt.
Trong năm 2021, theo đánh giá của Sở Xây dựng, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh năm vừa qua có chiều hướng sôi động. Đáng chú ý, sau khi có Nghị quyết thông qua phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư, tình hình thị trường bất động sản có chiều hướng diễn biến tích cực tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc. Ngoài ra, nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư trong thời gian qua đã được tháo gỡ. Do đó, các dự án đã bắt đầu tập trung đầu tư xây dựng, khởi động trở lại mạnh mẽ hơn.
Trong năm 2022, tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện triển khai Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng năm 2030 của tỉnh và Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch hàng năm cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện việc phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm. Đồng thời, tỉnh sẽ tạo cơ chế chính sách nhằm kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, tỉnh này luôn tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu, xúc tiến đầu tư các dự án, trên cơ sở cạnh tranh công bằng, tuân thủ các quy hoạch chung của địa phương.
Để có thể triển khai những bước tiếp theo, ông Hiệp đề nghị Tập đoàn Sovico cần tiếp tục làm việc với các sở, ngành, địa phương, trên cơ sở đó đề xuất những dự án có thể đầu tư, hợp tác phát triển một cách hợp lý nhất. Cùng với đó, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa đồng ý để Liên danh CTCP Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam, CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới và CTCP Tập đoàn Đầu tư ISRAEL tổ chức khảo sát, nghiên cứu tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án Quần thể vui chơi giải trí làng Châu Âu tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2, huyện Di Linh và huyện Lâm Hà.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Lâm Đồng liên tục đón hàng loạt doanh nghiệp lớn đổ về nghiên cứu, đề xuất đầu tư, tài trợ lập quy hoạch, đầu tư; địa phương liên tục ra thông báo đề nghị các sở ngành nghiên cứu, lấy ý kiến để quyết định chủ trương đầu tư.
Cụ thể, tại TP Bảo Lộc, thành viên Sam Holdings – CTCP Sacom Tuyền Lâm đề xuất tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị, du lịch và dịch vụ khoảng 1.034,5 ha, đồng thời đề xuất được đầu tư dự án trên khu đất.
CTCP tư vấn và đầu tư tài chính Drumclife đề xuất tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng Khu đô thị sức khỏe nghỉ dưỡng tại xã Đạm Bri quy mô khoảng 42 ha.
Tại huyện Di Linh, Công ty TNHH Hoàng Huy Lộc đề xuất lập quy hoạch phân khu 2 xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư thị trấn Di Linh, huyện Di Linh với quy mô khoảng 200 ha.
Trước đó, Vườn Thời Đại Việt Nam đề xuất khảo sát, nghiên cứu và tài trợ kinh phí lập các đồ án quy hoạch tại các xã Hòa Trung, Liên Đầm và Bảo Thuận, huyện Di Linh (Lâm Đồng) quy mô 4.000 ha, trong đó 3.500 ha là khu đô thị và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Tiếp giáp địa phương này, ghi nhận ở huyện Đức Trọng, CTCP Tập đoàn MCV đăng ký lập quy hoạch và đầu tư dự án “Bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch sinh thái Kay An” tại xã Tà Năng.
Tại huyện Đạ Tẻh, CTCP BCG Land đề xuất tỉnh Lâm Đồng cho nghiên cứu và tài trợ khảo sát, lập quy hoạch dự án Khu đô thị sinh thái hồ Đạ Tẻh.
Dự án sẽ có quy mô khoảng 800 ha với định hướng phát triển Khu đô thị sinh thái (khoảng 320 ha) và Khu du lịch sinh thái dưới tán rừng – theo hình thức thuê rừng phòng hộ và mặt nước hồ Đạ Tẻh (khoảng 480 ha).
Tại huyện Bảo Lâm, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đề xuất khảo sát, nghiên cứu, lập quy hoạch và báo cáo đề xuất đầu tư dự án với tên gọi hồ Đăk Long Thượng.
Dự án có quy mô nghiên cứu khoảng 30.000 ha, mục tiêu xây dựng một khu đô thị phức hợp, hoàn chỉnh với nhiều loại hình sản phẩm nhà ở, biệt thự du lịch, trung tâm thương mại, trường học, công viên cây xanh,… với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đầy đủ tiện ích.
Ngoài ra, CTCP Đầu tư Phát triển Nam Miền Trung Lâm Đồng đề xuất được tài trợ nghiên cứu, khảo sát và lập đồ án nghiên cứu quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu đô thị du lịch Liên Nghĩa với diện tích 355 ha.
Trước đó hồi cuối năm 2021, liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh, CTCP Tập đoàn Đèo Cả và CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất nghiên cứu, khảo sát và tài trợ kinh phí lập quy hoạch diện tích khoảng 15.000 ha, bao gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Phi Tô, huyện Lâm Hà và một phần thuộc xã Bình Thạnh, Hiệp Thạnh và Liên Hiệp, huyện Đức Trọng,…
Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển; các khu vực được nhắm đến sẽ là các đô thị như TP Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà,… do có tiềm năng hạ tầng và thương mại”, Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết.
Tổng Hợp