Mặt bằng lãi suất đã tăng ở hầu hết ngân hàng, loạt ngân hàng nâng lãi suất cho vay khiến người có nhu cầu vay và người đã vay đều đứng ngồi không yên. Từ đầu tháng 10 đến nay, mặt bằng lãi suất đã tăng ở hầu hết ngân hàng, với mức tăng 2-4%/năm, không chỉ vay mua nhà đất mà cả vay tiêu dùng, dự án…
Những ngày gần đây, lãi suất huy động liên tục thiết lập mặt bằng mới. NH số Cake by VPBank đã đưa ra mức lãi suất huy động lên tới 9,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng và số tiền gửi tối thiểu 300 triệu đồng.
Với kỳ hạn gửi 6 tháng, mức lãi suất cố định lên tới 8,5%/năm. Nếu số tiền gửi lớn, lãi suất cao nhất cho kỳ hạn này lên đến 8,8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất lên đến 9 – 9,3%/năm, tùy số tiền gửi.
Trước đó, SCB triển khai chương trình tặng coupon lãi suất 0,5% theo tất cả hình thức lĩnh lãi với kỳ hạn gửi từ 6 tháng đến 11 tháng, đưa lãi suất huy động cao nhất lên đến 8,9%/năm kỳ hạn 11 tháng. Nếu gửi tiết kiệm online, mức lãi suất cao nhất cũng lên đến 8,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Tại NamABank, chỉ từ ngày 11 đến 15-10, lãi suất huy động đã tăng liên tục 3 lần, đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng với hình thức gửi tại quầy từ 7,5%/năm lên 7,9%/năm, kỳ hạn 36 tháng lên 7,9%/năm, tăng 1,4%/năm qua các lần điều chỉnh tăng.
Nếu gửi tiết kiệm online, kỳ hạn 6 tháng đã được nhận lãi suất 7,9%/năm, gửi từ 12 – 17 tháng lãi suất là 8,2%/năm, từ 18 – 24 tháng lên tới 8,4%/năm. Nhiều NH khác cũng đẩy mức lãi suất lên rất cao, như VietABank với lãi suất cao nhất là 8,7%/năm, Kienlongbank 8,6%/năm, NCB 8,4%/năm…
Diễn biến lãi suất cho vay rục rịch tăng bắt đầu khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và loạt nhà băng tăng lãi suất huy động. Đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới biên độ tỷ giá VND/USD từ 3% lên 5%. Việc tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng đã gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thống đốc chỉ ra 4 nguyên nhân. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.
Ngoài ra, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng cũng gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.
Xu hướng này cũng trở lại trong bối cảnh những tháng cuối năm. Trưởng phòng tín dụng một chi nhánh ngân hàng có trụ sở tại Bắc Ninh cho biết, thông thường, nhu cầu vào cuối năm sẽ tăng cao do nhu cầu vay tiêu dùng, trả lương, thưởng… lớn.
Sức ép lãi suất cho vay cũng ngày càng tăng trong bối cảnh lãi suất huy động không ngừng “nóng” lên. Hàng loạt ngân hàng thời gian qua đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trên 8%/năm xuất hiện ngày càng nhiều, có nhà băng huy động tiền gửi với lãi suất 9,5% cho kỳ hạn dài.
Theo trưởng phòng phân tích và đầu tư tại một công ty chứng khoán, ngân hàng muốn có lãi thì mức chênh giữa lãi suất huy động và lãi cho vay phải từ 3-4%.
Như thường lệ, lãi suất cho vay ở các ngân hàng tư nhân cũng tăng nhiều hơn so với các ngân hàng có vốn Nhà nước. Lãi thả nổi được tính bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ dao động khoảng 3-3,8%. Trong khi đó, lãi cơ sở sẽ thay đổi tùy thuộc vào thị trường và điều chỉnh của mỗi nhà băng. Hiện lãi cơ sở dao động trong khoảng 6-9,5%/năm. Lãi suất cơ sở cũng ngày càng có xu hướng tăng khiến người vay mua nhà như “ngồi trên đống lửa”.
Tổng Hợp