Thực tế cho thấy, mặc dù thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có tác động rất lớn tới quyền lợi của người dân và công tác công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quy định cụ thể, cũng là yêu cầu bắt buộc trong Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng và nhiều văn bản pháp lý khác, thế nhưng việc thực hiện còn nhiều hạn chế.
Trong cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 7/2023 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với UBND TP.HCM về giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Thành phố có 29 nội dung kiến nghị về đất đai, thuộc 13 nhóm vấn đề. Về công tác quản lý đất đai, TP.HCM kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Theo ông Thắng, TP.HCM đã có quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và 10 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên có thể căn cứ vào các quy hoạch này để kiểm soát việc giao, thuê, chuyển mục đích sử dụng đất. Do vậy, ông Thắng kiến nghị chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt.
Từ quan điểm của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, việc chờ đợi các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (theo quy định hàng năm hiện nay) là rất khó, chưa kể tới câu chuyện ngay sau khi ban hành quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất của địa phương lại có chủ trương về triển khai hạ tầng trên đó.
Mở rộng ra lĩnh vực tưởng chừng không liên quan đến đất đai là điện, báo cáo tổng kết quá trình thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) mới đây cho thấy, việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý quy hoạch đã ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án điện, thậm chí có dự án không thể thực hiện được. Tại nhiều dự án, đường dây và trạm biến áp được thực hiện đến bước xây dựng (tức là xong bước thiết kế kỹ thuật), đến khi triển khai thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng thì mới phát hiện dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất của tỉnh nên phải thực hiện các thủ tục bổ sung và chờ HĐND tỉnh thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, dưới góc độ khoa học, công tác quy hoạch phải đi trước một bước và mang tầm nhìn dài hạn nên việc nhiều diện tích đất quy hoạch chưa thể triển khai trong một thời gian dài cũng là điều dễ hiểu, nên nếu dự án gặp vướng mắc này thì lỗi không phải do doanh nghiệp, mà là do cơ quan quản lý, do tầm nhìn của các nhà quy hoạch… Ngoài ra, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, trong khi quy hoạch lại không theo kịp nên nảy sinh những bất cập.
“Do đó, bên cạnh làm sao đưa đất đai vào sử dụng kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, nhằm tạo ra nguồn lực phát triển, cần phải tăng cường công khai, minh bạch từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch đến xử lý sai phạm khi sử dụng đất… để ngăn ngừa tham nhũng đất đai và bảo đảm quản lý hiệu quả, phát huy tối đa nguồn lực đất đai. Về góc độ trách nhiệm quản lý tại cấp cơ sở, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, quận, huyện, cán bộ tham mưu, tổ chức xây dựng kế hoạch sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất… để nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng quản lý, sử dụng đất”, ông Điệp đề xuất.
Sự thiếu nhất quán trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng lệch pha cung – cầu, ách tắc dự án… từ nhiều năm nay.
Tổng Hợp
(ĐTCK)