Tỷ giá VND/USD từ đầu tháng 7 đã hạ nhiệt cả trên thị trường tự do và kênh ngân hàng. Áp lực tỷ giá giảm bớt đã tác động tích cực lên nền kinh tế.
Tỷ giá giảm mạnh
Sau giai đoạn “nổi sóng” vào đầu năm với đỉnh điểm diễn ra trong tháng 4, tỷ giá VND/USD trong 2 tháng tiếp theo có phần bớt nóng nhưng vẫn neo ở mặt bằng cao.
Cuối tháng 6, giá USD bán ra trên thị trường tự do đã vượt 26.000 đồng/USD.
Cùng thời điểm, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã vượt xa mốc 25.000 đồng/USD cả chiều mua vào và bán ra. Tỷ giá bán trong giai đoạn này tiến sát ngưỡng 25.500 đồng/USD.
Chẳng hạn, vào ngày 28/6, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 25.223-25.473 đồng/USD (mua vào – bán ra).
Từ tháng 4 đến cuối tháng 6, các ngân hàng luôn niêm yết giá bán đồng bạc xanh ở mức giá kịch trần.
Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan dự báo tỷ giá không tăng quá 25.000 đồng/USD.
Trước những biến động đầy bất ngờ của tỷ giá trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có các động thái để giữ ổn định thị trường như tăng cung USD trên thị trường kể từ cuối tháng 4, điều chỉnh tỷ giá trung tâm… Nhờ các biện pháp can thiệp của cơ quan quản lý và chỉ số đồng USD giảm đáng kể, tỷ giá đã dần hạ nhiệt.
Từ đầu tháng 7 đến nay, diễn biến tỷ giá cho thấy xu hướng dịu đi khá rõ.
Vào đầu tháng 7, giá USD trên thị trường tự do đã rời xa mốc 26.000 đồng/USD.
Ngày 5/7, giá USD tự do được giao dịch với mức giá phổ biến là 25.745-25.825 đồng/USD (mua vào – bán ra). So với mức đỉnh 25.950-26.030 đồng/USD (mua – bán) được thiết lập vào ngày 27/6, giá USD tự do ngày 5/7 đã “bốc hơi” 205 đồng ở cả chiều mua và bán.
Sau khi được điều chỉnh tăng khá mạnh ở vài phiên cuối tháng 7, đến đầu tháng 8, giá USD tự do lại giảm mạnh. Có nhiều phiên, giá USD “chợ đen” giảm tới hơn 100 đồng.
Đơn cử, ngày 9/8, USD tự do có giá phổ biến là 25.575-25.655 đồng/USD (mua vào – bán ra), giảm 115 đồng so với phiên trước đó.
Phiên 17/8, giá USD trên thị trường tự do hạ tới 140 đồng so với phiên trước đó và rẻ hơn 640 đồng so với mức giá đỉnh, được giao dịch với mức giá phổ biến là 25.310 – 25.390 đồng/USD (mua vào – bán ra).
Đến ngày 28/8, các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do giao dịch USD với mức giá là 25.110-25.200 đồng/USD (mua – bán), giảm tới 100 đồng so với phiên trước đó. Còn so với mức đỉnh 25.950-26.030 đồng/USD (mua vào – bán ra) được thiết lập vào ngày 27/6, giá USD tự do đã “bốc hơi” trên 800 đồng.
Không chỉ trên thị trường tự do mà ở kênh ngân hàng, giá USD đã giảm rất mạnh.
Từ đầu tháng 8, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm và giao dịch cách xa mức giá trần theo quy định của NHNN.
Ngày 20/8, giá USD tại nhiều ngân hàng thương giảm sâu. Vietcombank niêm yết giá mua – bán ở mức 24.710-25.080 đồng/USD, giảm 130 đồng so với phiên trước đó.
Đến ngày 26/8, giá USD tại các ngân hàng đồng loạt giảm hơn 100 đồng. Vietcombank giảm 100 đồng. VietinBank giảm tới 131 đồng. Techcombank giảm 128 đồng. Sacombank giảm 110 đồng.
Tới ngày 27/8, giá USD tại các ngân hàng tiếp tục giảm sâu, có một số ngân hàng ‘thủng’ mốc 25.000 đồng/USD.
Chiều 27/8, VietinBank niêm yết giá USD ở mức 24.649-24.989 đồng/USD (mua vào – bán ra), giảm 67 đồng. ACB mua vào tiền mặt với giá 24.630 đồng/USD, còn giá USD bán ra là 24.990 đồng/USD, hạ 80 đồng. Vietcombank niêm yết giá USD mua ở mức 24.630 đồng/USD, bán ra ở mức 25.000 đồng/USD, giảm 70 đồng.
Đến ngày 28/8, giá USD tại một số ngân hàng có xu hướng hồi phục, chiếm lại mốc 25.000 đồng/USD. Kết phiên 28/8, Vietcombank niêm yết giá USD mức 24.650-25.020 đồng/USD (mua – bán).
Nếu tính từ đầu tháng 8 tới nay, giá USD trong các ngân hàng đã giảm khoảng 400 đồng. Còn so với mức 25.223-25.473 đồng/USD vào cuối tháng 6, giá USD tại các ngân hàng hiện giảm tới 500-600 đồng.
Tương tự, tỷ giá trung tâm cũng được điều chỉnh giảm. Tỷ giá trung tâm thời điểm cuối tháng 6/2024 được NHNN công bố ở mức khoảng 24.264 đồng/USD. Nhưng đến ngày 28/8, tỷ giá trung tâm đã giảm về mức 24.212 đồng/USD, tức giảm 52 đồng.
Tỷ giá liên ngân hàng cũng đi xuống trong bối cảnh chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như không đáng kể. So với đầu tháng 8, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng hiện sụt giảm 1,4% xuống mức 24.860 VND/USD.
Tỷ giá hạ nhiệt tác động thế nào tới nền kinh tế?
Theo báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xu hướng tăng giá của tiền đồng tiếp diễn trong tháng qua nhờ đồng USD giảm mạnh. Tại ngày 23/8, chỉ số Dollar Index (DXY) giảm về mức 100,7 điểm – mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023 sau tuyên bố của ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) – tại hội nghị Jackson Hole cuối thứ 6 tuần trước một lần nữa khẳng định thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed đã đến.
Theo giới phân tích, việc DXY giảm giúp NHNN có thêm không gian chính sách để thực hiện giảm mặt bằng lãi suất trên kênh thị trường mở (OMO) và tín phiếu nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, đồng thời có cơ hội tích lũy lại kho dự trữ ngoại hối sau khi đã thực hiện bán can thiệp để ổn định tỷ giá.
Theo VDSC, với diễn biến tỷ giá hiện tại, NHNN sẽ không cần phải nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá trong các tháng còn lại của năm.
Trong bối cảnh áp lực tỷ giá đã vơi bớt, kể từ đầu tháng 8, NHNN đã thực hiện một loạt động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thiết lập mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn.
Lãi suất OMO đã giảm 25 điểm cơ bản xuống mức 4,25% vào hồi đầu tháng, đồng thời kỳ hạn được tăng từ 7 ngày lên 14 ngày vào phiên ngày 26/8.
Đồng thời, NHNN cũng giảm lãi suất tín phiếu ba lần trong tháng này với mức giảm tổng cộng là 35 điểm cơ bản xuống mức 4,15% và dừng phát hành tín phiếu từ phiên ngày 26/8.
VDSC nhận định áp lực về nhu cầu USD tăng trở lại trong giai đoạn cuối quý III – đầu quý IV sẽ không còn gây áp lực đến triển vọng tỷ giá. Mặc dù vậy, công ty chứng khoán này dự báo tỷ giá USDVND cuối năm 2024 có thể dao động quanh mức 25.000 đồng/USD, tăng khoảng 3% so với cuối năm ngoái.
Chứng khoán MBS cho rằng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.300-25.700 VND/USD trong thời gian còn lại năm 2024 dưới những yếu tố tích cực như: thặng dư thương mại tích cực, FDI giải ngân đạt hơn 12,5 tỷ USD và du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Việc tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng không những giúp NHNN có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ mà còn giúp cho nhiều doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính từ khoản chênh lệch tỷ giá. Các nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cao như thép, xăng dầu,… hay các nhóm có nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, thép, ô tô… sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc tỷ giá hạ nhiệt.
Tỷ giá giảm không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi mà việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng khởi sắc hơn.
Các chuyên gia của FiinRatings cho biết, môi trường tỷ giá thuận lợi được kỳ vọng sẽ làm giảm chi phí sản xuất và chi phí vốn nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ như xuất nhập khẩu sẽ hưởng lợi trực tiếp từ chi phí đầu vào giảm. Hơn nữa, đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp tăng cường tiếp cận dòng vay vốn nước ngoài và phát hành trái phiếu quốc tế cho hoạt động kinh doanh thời gian tới.
Còn TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhìn nhận: tỷ giá giảm sẽ có lợi cho trả nợ nước ngoài bằng chính đồng USD và có lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vì chênh lệch lãi suất ít đi, cộng thêm tỷ giá ổn định tạo ra tâm lý khá yên tâm.
Theo Vietnamfinance