Với mức giá đấu thành công đến 1,1 tỷ USD cho 1 ha đất Thủ Thiêm, được cho quá sức tưởng tượng, thị trường đang đặt dấu hỏi liệu Tân Hoàng Minh có chịu mất gần 600 tỷ để rút lui.
Bỏ cọc, Tân Hoàng Minh và 3 doanh nghiệp sẽ mất 1.051 tỷ đồng
Sức nóng của vụ đấu giá đất Thủ Thiêm với mức giá đến hơn 2,4 tỷ đồng/m2, cao gần 1 tỷ đồng/m2 so với giá đất tại trung tâm quận 1 – TP.HCM vẫn chưa hạ nhiệt suốt tuần qua.
Theo quy định, chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá thành, người trúng đấu giá phải ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Như vậy, thời hạn ký hợp đồng mua bán cũng đã hết.
Thị trường đang đặt ra nhiều câu hỏi, với mức giá mà hầu hết dân kinh doanh bất động sản đều cho rằng ngoài sức tưởng tượng, liệu Tân Hoàng Minh và 3 doanh nghiệp trúng đấu giá có chấp nhận mất cọc.
Tại cuộc đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm, các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải nộp trước số tiền tương ứng 20% giá khởi điểm của lô đất. Nếu trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền cọc, để đảm bảo thực hiện giao kết, hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Nếu khách hàng trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá – không ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau 5 ngày, hoặc không nộp đủ tiền theo thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế, thì sẽ bị chế tài bằng biện pháp tịch thu số tiền này để nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo giá khởi điểm, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt – thành viên của Tân Hoàng Minh, đã phải nộp trước hơn 588 tỷ đồng. Và sau 5 ngày quy định, nếu doanh nghiệp không ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, thì sẽ mất số tiền này.
Tương tự, số tiền đặt trước của Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh là hơn 145 tỷ đồng. Công ty cổ phần Sheen Mega cũng phải nộp trước số tiền hơn 203 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Dream Republic phải nộp trước số tiền hơn 115 tỷ đồng.
Doanh nghiệp sẽ có lời với phương án kinh doanh 3-5 năm tới
Tân Hoàng Minh từng có “phốt” xin hủy kết quả đấu giá lô đất vàng 23 Lê Duẩn quận 1 năm 2015 mà doanh nghiệp này từng trả giá vượt 2,6 lần giá khởi điểm để thắng đấu giá. Tuy nhiên sau đó, doanh nghiệp của ông Dũng vẫn “quay lại” hoàn thành nghĩa vụ tài chính với lô đất, chấp nhận thêm phí phạt đến 260 tỷ đồng.
Ở thời điểm đó, ông Đỗ Anh Dũng chia sẻ mình thắng đấu giá do “lỡ miệng”, và thừa nhận về góc độ kinh tế thì đây là cuộc đấu giá thất bại, vì giá thắng quá cao. Do vậy, nhiều người vẫn nghi ngờ khả năng doanh nghiệp này sẽ lặp lại câu chuyện từ chối kết quả đấu giá.
Kế bên lô đất 3-12 mà Tân Hoàng Minh vừa “chốt giá”, một dự án căn hộ cao cấp đang hoàn thiện với giá bán khoảng 130 triệu đồng/m2.
Trả lời báo chí, giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng khó có khả năng Tân Hoàng Minh trả giá cao để đánh bóng tên tuổi. Bởi đây đã là một thương hiệu mạnh, do đó nếu không thể thanh toán được tiền thì độ uy tín của thương hiệu này sẽ bị ảnh hưởng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng nhận định với thị trường bất động sản hiện nay, không thể có chuyện doanh nghiệp đẩy giá bất chấp rồi bỏ lô đất. Hơn nữa, số tiền ký quỹ rất lớn, đến hàng trăm tỷ đồng, doanh nghiệp không thể để mất số tài sản mà có thể trong 2 năm kinh doanh chật vật vừa qua, rất khó kiếm được.
Theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, doanh nghiệp trước khi tham gia đấu giá là đã có kế hoạch cho việc kinh doanh của mình. Và đã có tính toán trước khi quyết định đưa ra giá mua, họ không bị bất cứ áp lực nào.
Dù thừa nhận mức giá đưa ra tại phiên đấu giá là không ai tiên lượng trước, nhưng theo ông Lê Hoàng Châu, mức giá lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 có thể là cao so với hiện tại, nhưng chưa chắc cao trong tương lai. Việc doanh nghiệp chấp nhận bỏ giá cao thể hiện nhu cầu muốn đầu tư vào khu vực Thủ Thiêm, giữa lúc khối ngoại cũng đang tìm cơ hội xâm nhập thị trường bất động sản này.
Cùng chung nhận định, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng nói sẽ khó có chuyện doanh nghiệp “bỏ cọc”.
Theo ông Quang, với mức giá mà các doanh nghiệp đấu thành công tại 4 lô đất Thủ Thiêm vừa qua, nếu tính giá nhà thương phẩm thì không dưới 400 triệu đồng/m2. Mức giá này đang quá cao, gấp đôi so với giá căn hộ xa xỉ đang phát triển tại Thủ Thiêm ở thời điểm hiện tại. Nhưng nếu so với những bất động sản hàng hiệu đang được tung ra tại TP.HCM thì cũng tương xứng.
Chuyên gia này nói thêm trong lúc thị trường đang bắt đầu quan tâm đến bất động sản hàng hiệu, thì mức giá mà các doanh nghiệp trúng đấu giá tại Thủ Thiêm để đầu tư cho 3-5 năm tới là phù hợp.
Theo quy định, doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ triển khai dự án trong vòng 24 tháng, và gia hạn thêm 24 tháng nữa. Thực tế dù là đất sạch, nhưng để hoàn thành các các thủ tục pháp lý cũng mất khoảng 1 năm.
Trong trường hợp doanh nghiệp điều chỉnh dự án hoặc xin gia hạn có thể kéo dài 3-5 năm, thậm chí lâu hơn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng nhà đầu tư đã có lý khi ra giá, bởi họ đang nhìn vào thị trường của tương lai 3-5 năm sau, để đưa ra phương án kinh doanh.
Lô đất 3.000m2 tại 23 Lê Duẩn – quận 1 mà Tân Hoàng Minh bỏ cao hơn giá khởi điểm 2,6 lần để trúng đấu giá, với 1.430 tỷ đồng vào năm 2015, hiện không phải do tập đoàn này đầu tư mà thuộc về 1 đơn vị khác, và doanh nghiệp này đã triển khai xây dựng.
Đây cũng là doanh nghiệp có liên quan đến một nhà đầu tư đang nổi lên mạnh mẽ với hàng loạt dự án bất động sản cao cấp, có vị trí đắc địa tại TP.HCM, trong đó có nhiều dự án được quảng bá là bất động sản hàng hiệu. Và không loại trừ lý do Tân Hoàng Minh cũng sẽ ứng xử với lô đất tại Thủ Thiêm như với lô đất 23 Lê Duẩn.
Riêng 2 doanh nghiệp Dream Republic và Sheen Mega đều có liên quan đến hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát. Trong đó, Dream Republic trúng lô đất 3-5, diện tích 6.446m2, với 3.820 tỷ đồng. Còn Sheen Mega thắng đấu giá lô đất 3-8 rộng hơn 8.500m2, với 4.000 tỷ đồng.