Để thị trường trái phiếu phát triển minh bạch, mới đây, Bộ Tài chính đã cấp phép cho 2 doanh nghiệp Việt thực hiện cung cấp dịch vụ tín nhiệm các doanh nghiệp Việt Nam. Việc có doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm sẽ góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển theo hướng minh bạch.
Cần xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ có cơ sở để lựa chọn xuống tiền. Bởi các doanh nghiệp Việt Nam huy động ở thị trường nội địa là chính và các nhà đầu tư cá nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư được phân loại là nhà đầu tư chuyên nghiệp theo quy định mới hiện nay.
Các chỉ số cơ bản sẽ như các loại trái phiếu có tài sản đảm bảo thế nào, đơn vị tư vấn phát hành có tin cậy không; cấu trúc sản phẩm tài sản đảm bảo, bảo lãnh thanh toán ra sao, trái phiếu trơn dựa trên niềm tin rủi ro bao nhiêu khi lãi cao. Lượng trái phiếu trong giai đoạn đầu năm 2021 vẫn tiếp tục được công bố ồ ạt trên thị trường. Theo SSI, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 1/2021 là 37.400 tỷ đồng, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng rủi ro tăng cao khi 50% không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu… Đáng chú ý, có gần 7.000 tỷ đồng là trái phiếu phát hành ra công chúng, tương đương 18,7% tổng lượng phát hành toàn thị trường, cao hơn nhiều mức bình quân chỉ 5,1% của cả năm 2020. Con số công bố của SSI đã được nhiều chuyên gia đặt ra lo ngại. Các chuyên gia cũng cho rằng, sự tăng mạnh của lượng trái phiếu cho thấy tình trạng doanh nghiệp đang “khát” vốn mạnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng làm ăn khó khăn kéo dài. Những nhà đầu tư mua trái phiếu không căn cứ dựa trên báo cáo tài chính, hay tìm hiểu “sức khoẻ”, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Họ mua trái phiếu vì lãi suất hấp dẫn.
Trước tình trạng trái phiếu phát hành ồ ạt, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 3 nghị định quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp gồm Nghị định số 153/2020 quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của luật Chứng khoán, trong đó có quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và Nghị định số 156/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Các quy định này sẽ siết chặt hơn nữa các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong quý 1-2021, tổng lượng TPDN phát hành là 37.400 tỷ đồng, giảm gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị trái phiếu phát hành của nhóm DN bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 62% (khoảng 15.588 tỷ đồng) trong tổng giá trị trái phiếu phát hành ra toàn thị trường (hơn 25.000 tỷ đồng). Dù vậy, giá trị của TPDN bất động sản vẫn giảm gần 20% so với quý 1-2020. Diễn biến này được đánh giá là do Nghị định 155/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đã siết chặt hơn hoạt động phát hành TPDN của DN bất động sản. Ngoài ra, với quy định điều kiện đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, lượng nhà đầu tư cá nhân, không chuyên tham gia thị trường cũng giảm mạnh từ mức 27% trong quý 1-2020 xuống chỉ còn 8% trong quý 1-2021. Nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 1.529 tỷ đồng TPDN trên thị trường sơ cấp trong 3 tháng đầu năm 2021, chỉ bằng 16% lượng mua cùng kỳ năm trước. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những chỉ số tăng trưởng mạnh về lượng trái phiếu phát hành.
Năm 2020, bất chấp dịch bệnh, các doanh nghiệp tiếp tục phát hành ồ ạt trái phiếu. Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong năm 2020 tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công là 368.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019. Mặc dù thị trường TPDN có dấu hiệu hạ “nhiệt” so với trước đây, nhưng do lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp nên không ít DN đã phát hành TPDN với lãi suất hấp dẫn nhằm hút dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Thậm chí, không ít DN đã gửi email, quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội… chào mời mua TPDN với lãi suất gấp đôi, gấp 3 lãi suất ngân hàng kèm cam kết rủi ro thấp, lợi nhuận và thanh khoản cao.
Việc trái phiếu tiếp tục trở thành kênh huy động vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp cho thấy đây là xu hướng phát triển tất yếu của thị trường vốn, nhưng cũng tồn tại những rủi ro đáng lưu ý. Dự kiến quý III/2021, 2 đơn vị được cấp phép về đánh giá tín nhiệm sẽ ra mắt thị trường. Đây sẽ là cơ sở để nhà đầu tư lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp có tiềm năng, rủi ro thấp.
Kiên Cương