Liệu mức độ cắt lỗ trái phiếu còn có thể sâu hơn, về mức hấp dẫn hơn? Làn sóng rút vốn trước hạn ồ ạt đang tạo áp lực thanh khoản cho các quỹ mở trái phiếu…
Hành động theo đám đông mà thiếu đi sự tỉnh táo phân tích chất lượng sản phẩm đầu tư, sức khoẻ tài chính của tổ chức phát hành trái phiếu, các nhà đầu tư đang tự gây áp lực cho chính mình và còn phải chịu thiệt hại do bán ồ ạt. Thế nhưng, vấn đề ở đây vẫn là niềm tin của nhà đầu tư đối với sản phẩm này đã vơi dần và việc rút được tiền về là ưu tiên số 1.
Việc nhà đầu tư muốn ồ ạt rút vốn khiến các quỹ phải bán tài sản với giá chiết khấu so với giá trị thật của tài sản. Đặt trong bối cảnh thanh khoản thị trường ảm đạm, mức chiết khấu sẽ càng lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá trị tài sản của những nhà đầu tư rút ra, mà còn ảnh hưởng đến định giá các tài sản còn lại của quỹ cho các nhà đầu tư ở lại.
Theo chia sẻ của nhân sự làm trong nghề quản lý quỹ, thông thường, các quỹ mở đầu tư phần lớn nguồn vốn góp của các nhà đầu tư vào các tài sản sinh lời, chỉ để lại tỷ trọng nhỏ tiền mặt dự phòng cho việc nhà đầu tư rút vốn, rơi vào khoảng 5 – 7% tổng NAV. Trong điều kiện thị trường hoạt động bình thường, việc nhà đầu tư nộp/rút tiền sẽ nằm trong sự tính toán của nhà quản lý quỹ. Nhưng khi nhà đầu tư ồ ạt rút tiền trong khoảng thời gian ngắn làm gia tăng áp lực thanh khoản cho quỹ.
Theo đó, quỹ buộc phải gia tăng bán các tài sản đang sinh lời cho quỹ để thu tiền mặt về. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến danh mục đầu tư của quỹ, trước hết, làm giảm tỷ suất sinh lời chung cho cả danh mục vì số lượng tài sản sinh lời giảm xuống. Đồng thời, để thanh khoản nhanh sẽ dẫn tới việc công ty quản lý quỹ phải giảm giá sâu tài sản bán ra, điều này dẫn tới tốc độ giảm NAV sẽ nhanh hơn tốc độ giảm số lượng chứng chỉ quỹ, khiến đơn giá NAV/chứng chỉ quỹ sẽ giảm mạnh.
Nguy hại hơn, hiệu ứng dây chuyền sẽ khiến phần lớn nhà đầu tư có tâm lý lo sợ và cùng lúc bán ra chứng chỉ quỹ khi chưa đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng dẫn tới thua lỗ.
TS. Vũ Đình Ánh đặc biệt lưu ý, trái phiếu doanh nghiệp là kênh đầu tư, không phải kênh tiết kiệm. Việc chưa có sự phân biệt rõ ràng khiến cho không ít nhà đầu tư trong thời gian vừa qua đã hành xử với trái phiếu doanh nghiệp như với khoản tiết kiệm ngân hàng.
Có một vấn đề đáng lưu ý trong quá trình nhà đầu tư tiếp cận kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp mà tôi chúng ta cần xử lý để đảm bảo tính ổn định và bền vững của thị trường.
Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư chưa phân biệt rõ ràng trái phiếu doanh nghiệp có 2 loại cơ bản: trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Trái phiếu phát hành ra công chúng hiện không có vấn đề gì, là loại hàng hoá có độ tin cậy rất cao, tương tự như các loại hàng hoá khác trên thị trường chứng khoán, đặc biệt có thể thống kiểm tra, kiểm soát từ phía các cơ quan chức năng, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Về mặt cơ sở pháp lý và thể chế, chúng ta đã có.
Rủi ro lớn mà chúng ta cần khắc phục là mảng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đặc biệt khi lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đó chiếm tỷ lệ rất lớn. Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có rất nhiều loại khác nhau, với các mức độ rủi ro khác nhau, tuy nhiên, Việt Nam dường như đang có xu hướng thắt chặt lại quy định này khiến sự đa dạng hoá của trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế. Trong thời gian tới, cần quay trở lại phát hành trái phiếu riêng lẻ theo các thông lệ quốc tế.
Thứ hai là sở hữu chéo, nhà phát hành trái phiếu riêng lẻ, bản chất phát hành là dựa trên uy tín, niềm tin. Nhưng trong thời gian vừa qua, do có sự buông lỏng quản lý nhất định nên chúng ta chưa đảm bảo một cách tốt nhất vấn đề uy tín, niềm tin với nhà phát hành.
Thứ ba là tính chuyên nghiệp, điều rất quan trọng giúp tạo dựng và củng cố niềm tin của nhà đầu tư với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tính chuyên nghiệp không chỉ liên quan tới nhà phát hành, mà còn liên quan tới hệ thống phân phối, bảo lãnh hay tính chuyên nghiệp trong xếp hạng tín nhiệm, với các nhà xếp hạng tín nhiệm uy tín. Tăng tính chuyên nghiệp và uy tín thì sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp.
Trong ngắn hạn, cần biện pháp tạo dòng tiền xử lý các vấn đề liên quan, ví dụ xây dựng quỹ hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi nó gặp các vấn đề liên quan tới thanh khoản, không phải vấn đề căn cốt liên quan tới sức khoẻ tài chính của nhà phát hành hay các sai phạm. Rõ ràng, chúng ta cần một thể chế, định chế như vậy để giúp cho sự ổn định của thị trường trái phiếu.
Ông Ánh khuyến nghị nhà đầu tư phải bình tĩnh trước những tin đồn mang tính tiêu cực trên thị trường trái phiếu, vì cơ bản các tin đồn không có căn cứ. Nếu nhà đầu tư hành động theo tin đồn hay là theo hiệu ứng đám đông thì “vô hình trung, khi tình hình chưa căng thẳng thì chúng ta lại đẩy nó vào căng thẳng, gây thiệt hại cho tất cả các bên tham gia thị trường”. Nhà đầu tư có thể tham khảo các kênh chính thức để có thông tin giúp họ ra quyết định một cách phù hợp và đảm bảo lợi ích.
Tuy vậy, chuyên gia cũng nhận xét, “không phải lúc nào nhà đầu tư cũng đủ tỉnh táo để phân biệt đâu là tin thật, tin giả, trong khi tâm lý là một yếu tố rất quan trọng trên thị trường tài chính” và “đã đến lúc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải có các biện pháp ngăn chặn rút tiền hàng loạt tương tự như thị trường tín dụng, ngân hàng”. Theo đó, phải có hệ thống quản lý, cộng với khung pháp lý thì mới có cơ sở, căn cứ để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, đặc biệt là để đối phó rủi ro mang yếu tố tâm lý, hay hiệu ứng đám đông mà nhà đầu tư phải đối mặt.
Tổng Hợp