Làn sóng COVID-19 lần 4 khiến thị trường bất động sản lao đao. Nguồn cung và lượng giao dịch trên thị trường đang có dấu hiệu sụt giảm. Bên cạnh một số phân khúc tiếp tục ghi nhận mức tăng giá như nhà đất, căn hộ, khu công nghiệp, thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm bất động sản cho thuê có giá “lao dốc” như mặt bằng nhà phố, căn hộ dịch vụ,…
Tháng 7, do chứng kiến số ca mắc COVID-19 đạt đỉnh, thị trường tiếp tục chịu những tác động tiêu cực, đặc biệt ở các tỉnh miền Nam. Giao dịch nhiều nơi giảm 60 – 70%.
Nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng trong các quyết định. Bất động sản đang trong vùng giá nhiễu. Nhiều nơi vùng sâu vùng xa đã tăng giá quá nhiều trong ba năm qua nhưng hạ tầng không tương xứng. Nhiều người đầu tư vào đất nông nghiệp và nhà vườn nghỉ dưỡng nhưng đã không tính đến việc phải duy trì một nguồn vốn duy trì hoạt động đó sẽ dẫn đến kẹt vốn. Đối với căn hộ, nhiều dự án cũng bị đẩy giá lên cao trong khi vị trí, thế đất chưa chắc đã tương xứng,…
Ngoài ra, đã có không ít nhà đầu tư bị kẹt hàng, đặc biệt các đại gia kinh nghiệm, vay mượn quá nhiều để mở rộng đầu tư nhưng không có dự trữ tài chính để xoay xở, không tiếp xúc được vốn ngân hàng nên buộc phải đi vay ngoài với lãi suất cao.
Thị trường bất động sản đang diễn ra theo kịch bản thận trọng. Phân khúc bán mạnh và giảm giá nhiều là các bất động sản du lịch và nhà phố giá trị cao. Những bất động sản càng cao giá vị vị trí tốt, đất và xây dựng lớn thì mức giảm sẽ nhiều hơn. Phân khúc nhà phố bắt đầu giảm giá để “bán được nhà”, còn các dự án mới thì chỉ làm PR, chưa dám chạy “rumor” do sợ tốn chi phí cao mà hiệu quả không chắn chắn.
Trong khi thị trường Hà Nội duy trì được mức độ ổn định thì TP HCM ghi nhận mức suy giảm mạnh do có số ca nhiễm lớn nhất cả nước. Đang có không ít nhận định cho rằng, nếu dịch bệnh kéo dài, thị trường bất động sản có thể sẽ xuất hiện làn sóng giảm giá do áp lực bán để trả nợ. Còn theo một số chuyên gia, với tình trạng an ninh thắt chặt, các nhà đầu tư trong và ngoài nước không có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, thị trường bất động sản thời gian gần đây chứng kiến sức mua giảm, các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái dè chừng và thận trọng.
Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 672.224 tỷ đồng (trong khi tính đến 31/3 là 661.112 tỷ). Như vậy, nợ vay bất động sản đã tăng hơn 11.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 3. Trong đó, tổng nợ vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà đạt 166.561 tỷ đồng, chiếm 24,8%. Đứng thứ hai là tổng nợ vay đối với hoạt động xây dựng, sửa chữa nhà để bán với 99.547 tỷ, chiếm 14,8%.
Bên cạnh đó, tổng nợ vay đầu tư các dự án văn phòng, cao ốc cho thuê khoảng 54.946 tỷ đồng; nợ vay đầu tư các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 53.582 tỷ đồng; nợ vay mua đất nền khoảng 53.164 tỷ đồng; nợ vay đầu tư các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất khoảng 27.464 tỷ đồng; nợ vay đầu tư các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 26.204 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dòng tiền cho vay bất động sản đang có xu hướng tăng chậm lại trong những năm gần đây. Thực trạng này một phần là do động thái kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản.
Cương Nguyễn