Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, 2 quý gần đây, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh. Lần đầu tiên, tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Một số nhà băng quy mô nhỏ như BacABank, BaoVietBank, Nam A Bank, CBBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank đều niêm yết trên mức 7,0% cho kỳ hạn dài 12 tháng trở lên. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới gần 3% tùy vào từng kỳ hạn gửi tiền.
Đặc biệt, riêng quý 1 năm nay, số dư đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Kết quả này có được nhờ lãi suất huy động liên tục tăng. Nhìn lại 6 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi đã tăng trung bình khoảng 0,5-1 điểm phần trăm cho kỳ hạn 6-12 tháng so với cuối năm 2021. Mức lãi cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB (7,55% kỳ hạn 18 tháng trở lên), gửi theo hình thức trực tuyến.
Tính đến 20/6, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,51%. Nửa đầu năm 2022, các ngân hàng đã sử dụng vượt quá phân nửa chỉ tiêu tín dụng của cả năm 2022 (14%). Nhiều ngân hàng thương mại đang đối diện khả năng hết hạn mức tín dụng được cấp trong năm (room tín dụng). Theo đó, rất nhiều ngân hàng đang kiến nghị nới room.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu nới room tín dụng, áp lực với lạm phát là rất lớn. Để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng sẽ phải chạy đua tăng lãi suất huy động, dẫn tới lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong nước, lạm phát không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu. Tình hình tài chính tiền tệ toàn cầu nói chung có nhiều biến động sẽ tác động tới nước ta vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở khá lớn. Giá cả hàng hóa, xăng, dầu đang nóng lên thời gian gần đây. Những vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến việc điều hành tỷ giá, lãi suất…
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 2,44%. Áp lực lạm phát những tháng cuối năm rất lớn.
Kết quả tích cực của tín dụng ngân hàng thể hiện trên một số mặt chủ yếu. Rõ nhất là cung cấp lượng tiền tệ, tín dụng – một nguồn lực cho tăng trưởng, góp phần làm cho thời gian tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm đứng đầu thế giới (trên 41 năm), vượt qua khủng hoảng ở trong nước, không bị rơi vào vòng xoáy của các cuộc khủng hoảng thế giới.
Nguồn vốn này, cùng với các nguồn vốn khác góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt tốc độ cao trong những năm trước đại dịch, là một trong ít nền kinh tế đạt tăng trưởng dương năm 2020, tiếp tục tăng trưởng dương năm 2021 và khả năng đạt được mục tiêu cao hơn năm 2022, 2023 với gói cấp bù lãi suất sẽ kéo theo 2 triệu tỷ đồng trong một năm rưỡi tới…
Thách thức thời gian tới còn nhiều, rõ nhất là tăng trưởng tín dụng sẽ cao để đáp ứng nhu cầu vốn cao lên và thực hiện gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ. Nhưng điều đó cũng gia tăng sức ép đối với việc kiểm soát lạm phát cùng với sự cộng hưởng của nhập khẩu lạm phát. Để trung hòa việc thực hiện cả 2 mục tiêu này là một thách thức.
Tổng Hợp