Vốn đã làm náo loạn thị trường địa ốc trong một thời gian dài “cò” đất nay lộng hành, giá đất “nhảy múa”.
Không khó để nhận ra rằng, đặc điểm chung của những nơi xuất hiện sốt đất là đều có thông tin liên quan đến quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông, nâng cấp các đơn vị hành chính từ xã, huyện lên phường, quận, thành phố. Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo của các địa phương, dù giá đất nền đã hạ nhiệt vào cuối năm 2021, nhưng nguy cơ xảy ra “sốt giá” vẫn hiện hữu trong năm 2022, đặc biệt khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích thích, hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng có thể tác động, làm thị trường bất động sản phát triển “nóng”.
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cả nước hiện có gần 75.000 nhân viên môi giới nhà đất, nhân viên môi giới tự do, nhưng hầu hết đều thiếu kiến thức căn bản của người làm môi giới. Theo ước tính của VARS, hiện chỉ 10% số môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề. Đặc biệt, sự thiếu chuyên nghiệp đã dẫn đến một bộ phận môi giới bất động sản bị sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực như “găm” đất, thổi giá, tạo sốt ảo, gây lũng loạn thị trường. Nhiều môi giới còn tiếp tay cho chủ dự án lừa đảo khách hàng, gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới các chủ đầu tư chân chính.
Nhìn vào bản chất của các đợt sốt đất có thể thấy, các đối tượng đứng đằng sau không cần phải bỏ ra quá nhiều chi phí mà vẫn có thể “tạo sóng” bất động sản nhằm mục đích trục lợi và khi những cơn sốt đi qua đều để lại hệ hụy khôn lường. Do đó, những quy định mới tại Nghị định 16/2022 có hiệu thực thi hành từ ngày 28/1/2022, thay thế Nghị định 139/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản… theo hướng tăng nặng các hình phạt được nhiều thành viên thị trường đánh giá là có đủ sức răn đe lực lượng môi giới, “cò” đất làm ăn chụp giật.
Câu chuyện ở Bình Phước được xem là cơn sốt đất ảo đầu tiên của năm ngoái và liên tiếp những tháng sau đó là những đợt sốt đất cục bộ ở nhiều địa phương khác trên cả nước, chẳng hạn đất nền khu vực vùng ven Hà Nội như Quốc Oai, Ba Vì, Hòa Bình… hay ở một số tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa… đã tăng 20-50% trong 2 quý đầu năm 2021. Tương tự, tại phía Nam, khu vực TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP.HCM, hay TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Đầu năm 2021, đất nền ở xã Tân Lợi, An Khương (tỉnh Bình Phước) đột ngột sốt nóng trước thông tin “sắp có quy hoạch mở rộng sân bay Técních Hớn Quản”, mỗi mét ngang mặt tiền ở các tuyến đường liên xã được “thổi” lên 350-500 triệu đồng, thậm chí 600 triệu đồng từ mức 60-70 triệu đồng trước đó. Đất nông nghiệp nằm sâu bên trong đường cũng được chào bán với giá 2-3 tỷ đồng mỗi sào. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, giá đất nhanh chóng hạ nhiệt, giảm phân nửa so với giai đoạn cao điểm mà vẫn không có giao dịch, nhiều người ôm nợ vì không kịp thoát hàng.
Nghị định 16/2022 sẽ góp phần chuẩn hóa nghề môi giới bất động sản, giúp thị trường địa ốc hoạt động ổn định hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, cần sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 theo hướng mọi loại hình bất động sản đều phải giao dịch qua sàn, cũng như sớm xúc tiến việc xây dựng hệ thống quản lý giao dịch bất động sản bằng công nghệ. Chẳng hạn, có thể số hóa môi giới bất động sản thông qua việc xây dựng công cụ tra cứu thông tin nhà môi giới. Với công cụ này, khách hàng, nhà quản lý, chủ bất động sản có thể biết được thông tin chi tiết về lộ trình nghề nghiệp, bằng cấp chuyên môn của từng cá nhân tư vấn viên bất động sản, vì mỗi người có một mã số định danh riêng.
Tổng hợp