Nhiều chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị về những nơi trú ẩn tài sản thích hợp cho các nhà đầu tư trên thị trường tài chính khi lạm phát sẽ khó mà dừng chân ở con số kỳ vọng.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát trong 2 tháng đầu năm của Việt Nam là 1,68%, trong khi đó kế hoạch lạm phát của Việt Nam chúng ta trong năm nay tối đa là 4%. Chính vì vậy, dư địa lạm phát của Việt Nam hiện chỉ còn 2,32%.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Hoàng Nam cho biết, nếu xét trên nhiều yếu tố thực tế, trong 10 tháng còn lại của năm 2022, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc kiểm soát chỉ số này.
Thứ nhất, một số thành tố tác động lên tổng cầu đang có xu hướng tăng mạnh. Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi kinh tế xã hội với gói kích thích kinh tế, trị giá 350.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch giải ngân, gần 114.000 tỷ đồng (khoảng 1/3 gói kích thích) sẽ được sử dụng để phát triển kết cấu hạ tầng.
“Cho nên, dòng tiền từ những hoạt động này sẽ được bơm thẳng vào nền kinh tế”, TS. Nguyễn Hoàng Nam cho hay.
Bên cạnh đó, do ngành du lịch đã hoạt động trở lại, nên tiêu dùng hộ gia đình năm nay sẽ tăng đáng kể so với năm ngoái khi các gia đình đưa con tham gia các hoạt động hè (tháng 6); chuẩn bị cho năm học mới (tháng 9); và mua sắm cuối năm theo thói quen tiêu dùng người Việt (tháng 12).
Thứ hai, căng thẳng giữa Nga – Ukraine đã khiến cho giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng mạnh. Theo quan điểm của vị chuyên gia, mặc dù giá dầu tăng “dựng đứng” trong thời gian gần đây, nhưng chắc chắn giá nguyên liệu này sẽ giảm trong thời gian tới. Lý do bởi giá dầu được quyết định bởi tổ chức OPEC.
“Hiện nay, OPEC có 13 quốc gia thành viên, nhiều thành viên trong số đó là đồng minh của Mỹ. Mỹ đã lường trước về vấn đề nguồn cung nên hiện tượng tăng dựng đứng giá dầu chỉ là tạm thời”, ông Nam phân tích.
Thứ ba, Việt Nam đang có rất nhiều ngành nghề sản xuất cần nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Trong khi đó, nước này vẫn đang theo đuổi chính sách “Zero Covid” nên đã xảy ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, khiến giá nhập khẩu của Việt Nam tăng đáng kể. Nguyên liệu đầu vào cao sẽ đẩy giá bán tăng cao, từ đó làm tăng lạm phát.
Thứ tư, ở một số ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may và da giày, mức lương đang tăng lên do các doanh nghiệp lớn sản xuất tập trung đang phải cạnh tranh để thu hút yếu tố đầu vào này.
Cuối cùng, lạm phát kỳ vọng của cả khu vực dân cư lẫn doanh nghiệp đều tăng lên rõ rệt sau 2 tháng đầu năm.
Lạm phát tăng cao thường được coi là tín hiệu tiêu cực cho thị trường chứng khoán. Điều này khiến cho các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán ở thời điểm hiện tại sẽ rơi vào thế khó. Ông Nam dự báo, phải đến hết quý 2, thị trường mới hình thành xu hướng và tầng giá. Bên cạnh đó, hành động của các nhà đầu cơ và những quyết định mua bán dựa trên cảm xúc của quá nhiều nhà đầu tư F0 đã khiến cho thị trường chứng khoán và thị trường vàng “chao đảo” trong gần chục ngày vừa qua.
Tổng Hợp